Sau khi "ăn dầm nằm dề" ở một số khu vực, mặt bằng giá lên cao, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm bắt đầu "chuyển" địa bàn để đón sóng tại khu vực có mức giá còn mềm hơn.
Anh Ph, cùng nhóm bạn đầu tư sau 3 tháng mua bán đầu tư đất nền tại khu vực Đồng Nai đã chuyển về Bình Thuận. Họ vẫn trung thành với loại hình đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm bên cạnh đất lẻ thổ cư. Theo anh Ph, do mặt bằng giá khu vực Đồng Nai đã tăng cao, nhà đầu tư chấp nhận đi xa hơn, để tìm kiếm cơ hội, dĩ nhiên vẫn quan điểm là vừa đầu tư trung hạn, vừa linh hoạt lướt sóng.
Nhà đầu tư này chia sẻ, việc chuyển địa bàn hay phân khúc đầu tư cũng phải nằm trong chiến lược rõ ràng. Không phải khu vực nào cũng bỏ tiền được. Thường khi đã đầu tư lâu năm, anh em phải nắm được tiềm năng, thông tin quy hoạch, hạ tầng… khu vực và quyết định chuyển địa bàn khi kì vọng đầu tư tăng trưởng trong vòng 6 tháng đến 1 năm. "Nếu càng đi xa, mua được đất càng rẻ thì khả năng tăng giá càng nhanh, nhưng phải biết lựa khu vực", anh Ph chia sẻ.
Nhiều nhà đầu tư khi nhận thấy cơ hội (biên độ tăng lợi nhuận) của khu vực giảm đi, trong khi nguồn hàng giá rẻ ngày càng khan hiếm đã chuyển khu vực để tiếp tục đầu tư. Sự dịch chuyển từ Đồng Nai đến Bình Thuận hay lên vùng cao nguyên như Lâm Đồng, Bảo Lộc, Đắc Lắc… thấy rõ trên thị trường BĐS thời gian qua. Theo một nhà đầu tư lâu năm, việc BĐS tăng giá chỉ là một phần, nguồn hàng bán ra thị trường khan hiếm chính là nguyên nhân thúc đẩy việc chuyển dịch. Hiện nay, tại một số khu vực vệ tinh Sài Gòn nguồn hàng BĐS nông nghiệp cũng đã khan, nhiều người dân bản địa không bán ra, và nhiều NĐT có đất cũng không sẵn sàng bán ra thời điểm này. Nếu có bán, mặt bằng giá đã tăng cao. Với những NĐT đi theo nhóm, họ sẽ có xu hướng tìm nguồn hàng đa dạng để lấp danh mục đầu tư, để luôn có nguồn bán ra – nguồn mua vào liên tục. Nếu trong vòng 1 tuần, nhà đầu tư không có nguồn hàng để mua vào, thường họ sẽ tìm cách "đánh" thị trường khác.
"Có nhiều nhóm đầu tư liên tục săn hàng trong trạng thái khu vực nào còn hàng, có tiềm năng là mua vào. Việc lướt sóng sang tay cũng liên tục được tính đến. Không chỉ trong bối cảnh sốt đất, mà lúc thị trường bình thường các nhóm NĐT này vẫn âm thầm kiếm tiền tỉ. Đó đa số là những NĐT nhanh nhạy", nhà đầu tư này cho hay.
Chia sẻ tại toạ đàm mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam, hiện đại dịch cơ bản được kiểm soát, tâm lý chung của các nàh đầu tư là không quá e ngại dịch bệnh vì thế họ đã quay trở lại thị trường tìm kênh đầu tư ngay đầu năm 2022. Đó cũng là lý do gây nên những cơn sốt ngầm đầu năm, giá đất biến động tăng mạnh ở các địa phương.
Theo vị chuyên gia này, hiện giá đất nền tăng ở nhiều khu vực, lan rộng từ các vùng giáp ranh sang các vùng xa hơn như Bình Phước, Bình Thuận, Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Định…cơn sốt giá này có sự tác động mạnh mẽ từ yếu tố hạ tầng giao thông, quy hoạch. Nhiều nhà đầu tư nhìn thấy và vào đón sóng. Động thái nhà đầu tư đi săn đất, đón sóng thị trường khu vực, theo ông Kiệt chính là nguyên nhân gây nên những cơn sốt đất.
Chưa kể, trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, nhu cầu của NĐT là tìm kênh giữ tiền, BĐS là một lựa chọn. Đất nền, theo chuyên gia CBRE Việt Nam, vẫn là phân khúc được nhà đầu tư ưa chuộng do tính thanh khoản cao, gia tăng giá trị nhanh… vì thế, tìm kiếm để mua vào – bán ra ở phân khúc này diễn ra sôi động trên thị trường.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nhà đầu tư cũng cần hết sức thận trọng với phân khúc này. Đu theo cơn sốt, không tìm hiểu kỹ, không ra được hàng, chôn dòng vốn là bài học mà rất nhiều NĐT đã gặp phải.