Trong 2 tháng đầu năm, nền kinh tế đang khởi sắc trở lại, đặc biệt, việc thông thương hàng không sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp quay lại sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, Việt Nam sắp nối lại đường bay quốc tế cũng sẽ thúc đẩy phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp.
Mặc dù đón nhận những tín hiệu khả quan nhưng đà tăng sốc giá hàng hóa ngay trong quý đầu năm cùng biến động lớn của giá vàng có thể tác động tiêu cực đến giá nhà đất và thổi bùng làn sóng đầu cơ tích trữ tài sản. Theo DKRA nhận định, tâm lý lo ngại lạm phát đã khiến một bộ phận nhà đầu tư chọn bất động sản làm tài sản trú ẩn.
Trước bối cảnh như hiện nay, nhiều nhà đầu tư băn khoăn có nên “lướt sóng” bất động sản hay chuyển sang đầu tư dài hạn.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết: “Không bao giờ dạy nhà đầu tư lướt sóng bất động sản. Bởi khi lướt sóng, nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận rủi ro để kiếm tiền, và chúng ta không thể nào nói đừng lướt sóng.
Lướt sóng nghĩa là đầu cơ, tranh thủ những đợt sốt để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao dựa trên thông tin về các khu vực, sản phẩm có khả năng tăng giá nhanh trong tương lai. Việc đó đồng nghĩa nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro để kiếm tiền. Mặc dù rủi ro là vậy, nhưng chúng ta cũng không thể nói nhà đầu tư đừng lướt sóng”.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.
Vị chuyên gia này chia sẻ, trong giai đoạn 2005 - 2006, việc đầu tư lướt sóng thường thu được lợi nhuận cao. Chỉ cần đăng ký được một suất mua căn hộ hay lô đất dự án rồi bán lại suất cũng có thể lãi gấp đôi tiền cọc, tức là gấp đôi vốn đầu tư.
"Ở giai đoạn khi mà thông tin và hàng hóa còn ít như vậy thì cái việc lướt sóng đem lại siêu lợi nhuận", chuyên gia cho biết.
Theo thời gian, thông tin thị trường bất động sản đã ngày càng minh bạch, việc đầu tư kiểu sang xuất chốt cọc ngày càng ít đi, tuy nhiên vẫn chưa bị triệt tiêu. Trong bất động sản vẫn luôn có cơ hội cho lướt sóng, mặc dù lướt sóng giai đoạn này không còn dễ dàng mà phải dựa trên thông tin và sự quyết đoán của nhà đầu tư.
Ông Hiển nhận định: Xu thế thị trường 2022 là xu thế tập trung vượt qua khó khăn và đang phát triển ở mức độ vượt qua khó khăn. Chúng ta đang cố gắng khôi phục lại nền kinh tế nhưng lại gặp phải các chướng ngại là sự gia tăng số ca mắc Covid-19, làm cản trở việc hoàn toàn mở cửa với quốc tế, phục hồi thị trường. Do đó, năm 2022 nhìn chung không phải là năm thuận lợi cho lướt sóng bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ tài chính bất động sản cho rằng, tâm thế đầu tư “lướt sóng” ngắn hạn là đã sai từ đầu. Bất động sản mang tính chu kỳ trung và dài hạn nhiều hơn.
“Lợi nhuận trong ngắn hạn do may mắn nhiều hơn giỏi. Nhiều nhà đầu tư thấy may mắn lại nghĩ do mình phân tích đúng, giỏi nên làm 2 - 3 vòng nữa thì thường là họ bị kẹp ở vòng thứ 3. Khi đầu tư vào bất động sản nhà đầu tư bắt buộc phải có một tâm thế đúng đắn cho tầm nhìn trung và dài hạn”, ông Khôi khuyến cáo.
Trước đó, khi bàn luận về vấn đề “lướt sóng” trong năm 2022, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho biết, năm nay, thị trường xuất hiện nhiều cơn sốt là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá. Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.
Mặt khác, ông Lực cũng đánh giá, nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi “lướt sóng” thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, ông Phạm Anh Khôi chia sẻ, các nhà đầu tư mới tham gia thị trường phải cẩn trọng, cần phải biết mình là ai, đang ở đâu trong chuỗi bán hàng một sản phẩm bất động sản, tránh để mất vốn giữa chừng. Đặc biệt, nên cẩn trọng với thông tin trong ngành bởi, thông tin thực tế có thể hoàn toàn khác với thông tin trên giấy.