Dịch bệnh và ảnh hưởng của chính sách giãn cách xã hội tại một số tỉnh thành đã khiến cho thị trường địa ốc có sự chững lại kể từ hồi đầu tháng 5 đến thời điểm hiện tại. Các nhà đầu tư đều chung quan điểm rằng, sự phục hồi của thị trường bất động sản phụ thuộc lớn vào biến số kiểm soát dịch bệnh.
Theo đó, một bộ phận nhà đầu tư tin tưởng rằng, với tiến trình đẩy mạnh tiêm vaccine, miễn dịch cộng đồng sẽ dần hình thành, mọi hoạt động sẽ trở lại quỹ đạo thông thường, sốt đất chắc chắn trở lại. Đặc biệt, hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh được đánh giá là nhân tố sẽ "thổi nóng" thị trường bất động sản. Đó là lý do mà các nhà đầu tư lạc quan, cuối năm 2021, bất động sản phục hồi và sốt đất là kịch bản dễ xảy ra.
Một số nhà đầu tư đang đặt ra lo ngại về diễn biến thiếu lạc quan của thị trường bất động sản trong ngắn hạn. (Ảnh minh hoạ)
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group nhận định, dù thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn từ trước thời điểm dịch bệnh. Sau gần 2 năm, dưới tác động của dịch bệnh nên thị trường càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Tuyển, ngay cả khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thị trường vẫn có nhiều thông tin tích cực, sẽ tạo cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch được kiểm soát.
Ở lập trường nhìn nhận khác, không ít nhà đầu tư lại có dự báo có phần thận trọng hơn. Ông Phương Ngô, nhà đầu tư bất động sản có gần 15 năm kinh nghiệm đến từ Đà Nẵng cho rằng, dịch bệnh không thể kết thúc tuyệt đối và hiện tại thực tế dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.
Ông Phương Ngô cho biết: "Xác định rằng, chúng ta sẽ phải sống chung với dịch. Điều kiện để mọi sinh hoạt diễn ra bình thường thì cần có thẻ xanh vaccine, tức mỗi người hoàn thành 2 đến 3 mũi caccine. Đề làm được điều này thì dự kiến hết năm 2021 đến đầu 2022 chúng ta mới hoàn thành tiêm vaccine cộng đồng mũi 2. Với các biến chủng mới hiện nay thì khả năng 2023 chúng ta sẽ có được tiêm chủng toàn dân. Khi đó mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường".
Ông Phương Ngô cho rằng, trong thời gian 2021 đến hết 2022, Nhà nước vẫn phải cung tiền hỗ trợ chống dịch và nguồn tiền trong lưu thông còn tăng. Nhưng do tình hình dịch nên thị trường bất động sản vẫn không có giao dịch về vấn đề dịch bệnh và tâm lý đầu tư.
Trong giai đoạn 2022 đến 2023, khi chương trình tiêm chủng đã gần như hoàn thiện, Nhà nước và ngân hàng sẽ có các kế hoạch kích thích kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất hoạt động trở lại. Với việc cho vay dễ hơn và lãi suất sẽ giảm, dự kiến lúc này thị trường bất động sản sẽ có giao dịch trở lại với lượng tiền lớn từ quá trình chống dịch và kích thích kinh tế. Đây là thời điểm tốt nhất cho nhà đầu tư còn nắm giữ bất động sản thoát hàng.
Giai đoạn 2024 đến 2025 là giai đoạn khôi phục sản xuất đã ổn định, cũng là lúc lạm phát tăng cao, dẫn đến ngân hàng sẽ hút dòng tiền lưu thông bằng cách cắt giảm các gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất. Đây là thời điểm đen tối nhất của thị trường bất động sản. Thị trường sẽ giảm sâu khi ngân hàng tăng lãi suất.
Với đánh giá chung về giai đoạn của thị trường bất động sản, ông Phương Ngô khuyến nghị: "Giai đoạn cuối 2022 đến 2023, nhà đầu tư tranh thủ lướt đất nền dự án. Vì đất nền dự án thường là các nhà đầu tư lẻ nên chịu tác động mạnh khi dịch diễn ra. Họ thường không được hỗ trợ về tài chính và chính sách từ ngân hàng. Đất nền giá trị nhỏ nên tính thanh khoản cao. Giai đoạn cuối 2023 đến 2025 là cơ hội tốt để mua nắm giữ, chờ nhân tài khoản".
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Hoà, nhà đầu tư đến từ Hà Nội cũng dự báo thận trọng, thị trường bất động sản sẽ ngày càng khó khăn vì dịch bệnh phức tạp và có biến chủng mới. Dù dịch bệnh được kiểm soát tạm thời trong năm 2021 thì dự tính dịch bệnh sẽ có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine phải cần thời gian mới tạo ra được miễn dịch cộng đồng.
Chưa kể, sau nhiều tháng vì dịch bệnh và giãn cách xã hội, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Nhiều nhà đầu tư tâm lý thận trọng. Đó là lý do mà thị trường bất động sản khả năng phục hồi trong ngắn hạn là điều khó xảy ra.