Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Cienco 4, đại diện liên danh nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, căn cứ hợp đồng BOT số 22 ngày 22/7/2015 và các văn bản pháp lý liên quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.
Theo phương án tài chính và hợp đồng tín dụng với ngân hàng, dự án sẽ bắt đầu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ từ đầu năm 2017, nhưng thực tế đến nay công tác này vẫn chưa thực hiện được khiến nhà đầu tư chịu áp lực từ việc phải trả lãi vay ngân hàng.
Bình quân mỗi tháng nhà đầu tư phải trả khoảng 16 tỷ đồng tiền lãi vay, cộng dồn từ đầu năm đến nay khoảng hơn 200 tỷ đồng (chưa bao gồm trả gốc).
Trước nguy cơ lâm vào tình trạng vỡ nợ khi dự án chưa có nguồn thu, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy, chi phí vận hành, bảo trì tuyến đường, nhà đầu tư dự án đã xây dựng 3 phương án đề xuất các cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định nhằm sớm xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, vướng mắc tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100.
Phương án 1: Giữ nguyên hai trạm thu giá tại dự án (một trạm đặt trên quốc lộ 3 cũ và một trạm trên quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới) theo hợp đồng đã ký kết, cho phép nhà đầu tư tổ chức thu giá hoàn vốn trên cơ sở mức giá đã được Bộ Tài chính ban hành và thực hiện phương án miễn, giảm giá cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú tại khu vực lân cận trạm thu giá đã được địa phương và nhà đầu tư thống nhất.
Phương án 2: Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết định số lượng trạm thu giá, vị trí đặt trạm, mức giá. Trường hợp phương án tài chính của dự án không khả thi, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ bằng ngân sách.
"Nếu chỉ thu phí trên tuyến quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, dự án không thể hoàn vốn vì lưu lượng xe chỉ chiếm 10 - 15% trên tổng lưu lượng của toàn tuyến, vì các phương tiện sẽ tiếp tục tập trung đi vào quốc lộ 3 cũ, khiến tuyến đường này và hệ thống đường ngang trên quốc lộ 3 bị tàn phá, xuống cấp", ông Huỳnh phân tích.
Theo tính toán sơ bộ, dự án chỉ đặt một trạm thu giá trên tuyến quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn, Ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ cho dự án khoảng hơn 2.000 tỷ đồng mới đảm bảo phương án tài chính khả thi.
Phương án 3: Nhà đầu tư đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án. Theo phương án này, số tiền Nhà nước phải bỏ ra để mua lại dự án từ nhà đầu tư khoảng gần 3.000 tỷ đồng, gồm: Giá trị tổng mức đầu tư dự án sau khi quyết toán, lãi vay ngân hàng và phần lãi đối với vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (phần đường xây mới dài gần 40km) và nâng cấp, mở rộng 25km quốc lộ 3 đoạn km75 đến km100 theo hình thức BOT Liên danh nhà đầu tư Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc thực hiện có tổng mức đầu tư ban đầu 2.744 tỷ đồng.
Để hoàn vốn cho dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên trước đó đã thống nhất phương án đặt một trạm thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm thu phí tại km 77 922,5 quốc lộ 3 song song với đường Thái Nguyên - Chợ Mới như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, ngay từ khi nhà đầu tư thực hiện xây trạm thu phí này, nhiều người dân huyện Phú Lương đã phản đối.