Liền kề, biệt thự tăng giá chóng mặt
Vừa hết Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Hùng - một nhà đầu tư tại Hà Nội tranh thủ đi xem liền kề tại khu Tây Hà Nội, với mong muốn sở hữu để cho thuê kiếm lời. Tuy nhiên, vì giá cả ở nhiều dự án tăng mạnh khiến cuộc tìm kiếm của anh thất bại.
“Tôi phát hoảng khi được biết giá liền kề, biệt thự thời điểm hiện tại. Nhiều căn từ cuối năm ngoái tới nay đã tăng đến tiền tỷ. Kế hoạch của tôi đang phải tạm gác lại vì giá biệt thự, liền kề liên tục tăng với tốc độ chóng mặt và biến độ tăng rất lớn”, anh Hùng nói.
Thực tế, ngay dịp sát Tết, nhu cầu tìm mua phân khúc này rất lớn dù mức tăng của phân khúc này vừa qua đã rất cao. Tuy nhiên, lượng giao dịch qua tìm hiểu không lớn vì thực tế khi thị trường bị đẩy giá, nhiều nhà đầu tư cũng run tay không dám đu đỉnh.
Theo báo cáo mới nhất của Batdongsan.com.vn, tháng 1/2022 - tháng cận Tết, nhiều người nghỉ Tết sớm, một số phân khúc bất động sản "hạ nhiệt" nhưng loại hình biệt thự, liền kề tại Hà Nội và TP. HCM vẫn có mức độ quan tâm tăng đáng kể, lần lượt là 29% và 30%. Tại Hà Nội, tập trung chủ yếu ở các khu vực Long Biên, Gia Lâm; còn tại TP. HCM tập trung tại quận 7 và huyện Nhà Bè,..
Việc giá cả tăng mạnh ngoài lý do về yếu tố chung của thị trường khi trải qua cơn sốt giá thì còn có lý do về nguồn cung. Theo báo cáo thị trường Hà Nội quý IV/2021 vừa công bố của Savills Việt Nam, trong kỳ này không ghi nhận dự án biệt thự, nhà liền kề nào mới. Nguồn cung mới chỉ đến từ các giai đoạn tiếp theo của một số dự án đang bán.
Đại diện Savills cho biết, nguồn cung sơ cấp thị trường biệt thự/nhà liền kề Hà Nội đã liên tục thiếu hụt trong một thời gian dài. Trong quý IV/2021, lượng giao dịch tăng với 411 căn bán được, tăng 96% theo quý nhưng giảm 19% theo năm.
Quận Tây Hồ ghi nhận lượng giao dịch cao nhất với 40% thị phần, theo sau là huyện Đông Anh với 21%. Nhà liền kề và nhà phố chiếm 57% lượng giao dịch, trong khi biệt thự chiếm 43% thị phần, tỷ trọng cao nhất từ quý I/2020. Tỷ lệ hấp thụ đạt 37%, tăng 17 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm.
Đáng chú ý, báo cáo cho thấy giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 180 triệu đồng/m2 đất, tăng 60% theo quý và 82% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 171 triệu đồng/m2 đất, tăng 33% theo quý và 54% theo năm.
Giá tiếp tục tăng
Trong bối cảnh sản phẩm mới tung ra hạn chế và tỷ lệ hấp thụ cao, các chuyên gia Savills nhận định giá trung bình trên toàn thị trường sẽ có sự biến động lớn. Phần lớn nguyên nhân đến từ sự thiếu hụt về nguồn cung mới có giá chào bán thấp tại các quận/huyện nằm ngoài trung tâm.
Dự báo về những thay đổi cho năm 2022, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ: “Thị trường biệt thự, nhà liền kề Hà Nội đã liên tục thiếu hụt nguồn cung sơ cấp trong một thời gian dài.
Nguồn cung mới trong năm 2022 chủ yếu đến từ các dự án, khu đô thị lớn ở ngoài trung tâm TP. Hà Nội sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Những nơi có cơ sở hạ tầng cải thiện, nguồn cung, lượng giao dịch, cũng như giá bán cũng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể”.
Năm 2022 là một năm nhiều hứa hẹn cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, kết nối giao thông nội đô và vùng ven thành phố. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhu cầu mua bán khi nguồn cung tương lai đạt đến từ 13 dự án nằm chủ yếu tại các khu vực phía Tây và phía Đông của thủ đô.
Còn theo bà Nguyễn Hồng Vân - Giám đốc thị trường, Công ty Dịch vụ bất động sản JLL chia sẻ, khi cơn sốt bất động sản khu vực các tỉnh đang có xu hướng chững lại, thị trường thiết lập mặt bằng giá mới thì có một lượng không nhỏ nhà đầu tư rút về thị trường Hà Nội. Phân khúc họ quan tâm là biệt thự, liền kề, shophouse trong khu vực trung tâm. Do đó, từ nay đến cuối năm, nhà thấp tầng sẽ tiếp tục còn tăng giá.
Lý giải về việc việc này các chuyên gia phân tích, lợi thế về hạ tầng đồng bộ thúc đẩy giá trị khu vực phía Tây Thủ đô, bao gồm đại lộ Thăng Long, tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương… Cùng với đó là các dự án đang được triển khai như tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài, tuyến metro số 2A, đường vành đai 4, đường vành đai 3.5…mở rộng kết nối phía Tây với các quận trung tâm và tỉnh lân cận.
Cùng với đó, sản phẩm tại khu vực này được quy hoạch bài bản, chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân vừa đảm bảo tiện nghi vừa trong lành cũng là một yếu tố làm nên sức hút cho khu vực này.
Đáng chú ý, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015) với quy định chỉ công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở trên đất ở hoặc một phần đất ở. Còn lại, tất cả các nhà đầu tư chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp thì không được triển khai dự án nhà ở.
Thực tế hiện nay đa số đất dự án vẫn là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh nên gần như tất cả các dự án mới bị tắc. Như vậy, nguồn cung trong trung hạn 1 - 3 năm tới của thị trường sẽ tiếp tục khan hiếm.