Số lượng các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm sự an toàn trong các quỹ thị trường tiền tệ đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008, khi vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers thổi bùng lên khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo dữ liệu từ FactSet và Bank of America Merrill Lynch, các quỹ thị trường tiền tệ đã thu hút được 322 tỷ USD trong 6 tháng qua, nhiều nhất kể từ nửa cuối năm 2008, khiến tổng tài sản tăng lên mức gần 3.500 tỷ USD – cao nhất kể từ tháng 9/2009.
Kể từ đầu năm đến nay, các quỹ thị trường tiền tệ liên tục chứng kiến dòng vốn chảy vào trong tất cả các tháng ngoại trừ tháng 4. Giá tài sản tăng trong 9/10 tuần gần nhất, trong lúc TTCK phải xử lý nhiều thông tin hỗn loạn mà trọng tâm là xung đột thương mại Mỹ - Trung và nỗi lo dai dẳng về việc kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.
Đối mặt với một loạt các thông tin liên tục được cập nhật, nhà đầu tư đã tìm đến những tài sản an toàn để phòng vệ cho đến khi bão tố qua đi. "Dù bạn đang nói về chính trị, lo lắng về bức tranh thương mại hay về nguy cơ suy thoái, có đủ tin xấu để dòng tiền chảy về những thị trường này", Quincy Krosby – chiến lược gia trưởng tại Prudential Financial – nhận định.
Về mặt tích cực thì trong quá khứ giai đoạn này đã tạo tiền đề cho giai đoạn mà các nhà đầu tư có được các cơ hội mua vào chỉ xuất hiện một lần trong đời. Tháng 3/2009, phố Wall bắt đầu bước vào thị trường con bò (thị trường giá lên) và vẫn đang có chuỗi tăng điểm kỷ lục.
Trên thực tế, thị trường đã tăng điểm mạnh mẽ trong năm vừa qua dù có những lúc trật nhịp vì đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ bể nhưng sau đó đã hồi phục bất cứ khi nào niềm hi vọng lóe lên. Chỉ số Dow Jones tăng hơn 400 điểm phiên cuối tuần trước sau tin tức lạc quan về vòng đàm phán mới nhất.
Nếu tin tốt tiếp tục xuất hiện và nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái, những biến động trên thị trường cho thấy phố Wall sẽ thăng hoa mạnh mẽ.
Dòng tiền đổ mạnh vào các quỹ thị trường tiền tệ là điểm giống nhau duy nhất giữa thời điểm hiện tại và thời điểm trước khủng hoảng tài chính. Mặc dù thị trường đã biến động mạnh kể từ khi Mỹ và Trung Quốc liên tiếp đánh thuế lẫn nhau, giai đoạn 2008 và đầu 2009 đã xác lập những kỷ lục về mức độ biến động của thị trường mà cho đến nay vẫn chưa bị xô đổ. Khi đó kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu đang rất hỗn loạn, và các nhà đầu tư quay sang thị trường tiền tệ như một cách để bảo vệ tiền bạc của mình khi chẳng có thứ gì tỏ ra an toàn.
Còn ở thời điểm hiện tại, các sự kiện địa chính trị đều là "nhị phân", tức có thể diễn ra theo 2 trường hợp hoàn toàn trái ngược nhau và bất cứ diễn biến lệch lạc nào cũng có thể khiến thị trường biến động.
Theo Mitch Goldberg, chuyên gia của ClientFirst Strategy, dòng tiền ồ ạt đổ vào các quỹ thị trường tiền tệ có nghĩa là thị trường đang tỏ ra mệt mỏi vì những sự kiện thiếu chắc chắn, nơi tiền sẽ nằm im một chỗ chờ đợi bất ổn qua đi.
"Đây không phải là giai đoạn mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ nháo nhào thay đổi danh mục. Điều bạn nên làm là hãy tỏ ra trung lập, không bi quan quá mức cũng không lạc quan quá mức. Bạn hãy tự điều chỉnh, cân nhắc lại điều kiện kinh tế, mức độ chịu đựng rủi ro và các mục tiêu tài chính của mình. Giai đoạn này sẽ sớm qua", ông nói.