Alliex quyết định đầu tư vào Việt Nam 721 triệu USD trong 5 năm cho hạ tầng POS dùng chung. Tính riêng trong năm đầu tiên, số tiền dự kiến được đầu tư là 100 triệu USD. Hạ tầng POS dùng chung được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy việc chuyển dịch sang thanh toán không dùng tiền mặt của thị trường Việt Nam.
Doanh nghiệp Alliex có sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam. Doanh nghiệp này đã chia sẻ về dự định đầu tư với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhân chuyến thăm của ông đến Hàn Quốc từ ngày 19/6 – 26/6.
Phó Thủ tướng cho biết tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam tương đối thấp so với Hàn Quốc, nơi tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt khoảng 80%, Chính phủ Việt Nam hiện đang triển khai Đề án phát triển không dùng tiền mặt trong đó, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy là tiêu chuẩn hóa thanh toán qua mã QR và hạ tầng POS dùng chung.
Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương triển khai các giải pháp về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giải pháp về phát triển hạ tầng POS dùng chung.
Chính phủ cũng đề nghị Alliex tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ để xây dựng lộ trình cụ thể về phát triển POS dùng chung và báo cáo Thủ tướng.
Chia sẻ với Thủ tướng, ông Park Byounggun, đại diện Alliex cho biết dựa trên kinh nghiệm tại Hàn Quốc, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là đặc biệt quan trọng. Alliex sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam các tài liệu nghiên cứu về kỹ thuật, chính sách của Chính phủ Hàn Quốc về vấn đề này.
Dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam được đánh giá là có sự thay đổi lớn sau một thời gian dài thâm nhập. Bắt đầu từ những dự án thâm dụng lao động như dệt may, da giày, sau đó FDI Hàn Quốc đã chuyển sang lĩnh vực công nghiệp điện tử. Giá trị đầu tư theo đó đã được thay đổi, tăng lên và có chất lượng hơn, theo Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, vốn đầu tư Hàn Quốc đang trong làn sóng đầu tư thứ 3, tập trung vào ngành tiêu dùng và bán lẻ. Còn trong tương lai gần có thể sẽ là làn sóng của ngân hàng, tài chính, fintech…
Hiện có 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn các quỹ tài chính của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 3,5 tỷ USD, tính đến tháng 5/2019, tăng gấp 13 lần so với 4 năm trước đó.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường tài chính Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước, ví dụ như nguồn vốn "dài hơi" để nuôi dịch vụ cho đến ngày thị trường thực sự phát triển và tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm kết nối được với nhiều đối tác và xây dựng hệ sinh thái toàn diện.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp phản ánh quá trình xin đầu tư vào Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn mặc dù Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích thu hút các giải pháp và nền tảng thanh toán mới, do dịch vụ chưa xuất hiện tại Việt Nam trước đó nên chưa có quy định và hành lang pháp lý rõ ràng, dẫn đến thiếu căn cứ để nhà đầu tư rót vốn vào thị trường