Gần 2 giờ đồng hồ dành cho đối thoại đã giúp cho các nhà đầu tư hiểu thêm phần nào về những cơ hội của Việt Nam đang rất hấp dẫn.
Kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước, các biện pháp thu hút đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, là 3 vấn đề được các giới đầu tư Anh quan tâm tìm hiểu tại buổi làm việc này. Sự cầu thị của Việt Nam cộng với sự hào hứng của các nhà đầu tư, được kỳ vọng nhanh chóng biến những cơ hội trở thành hiện thực.
Thời điểm tốt nhất để đầu tư
Phát biểu về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết: Việt Nam là nền kinh tế mở, quy mô thương mại đạt 480 tỷ USD năm 2018, gấp hơn 2 lần so với GDP...
Với quy mô dân số đang tiệm cận 100 triệu dân, trong đó 60% có độ tuổi dưới 35, Việt Nam có lợi thế về khả năng cung cấp một lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có chất lượng với chi phí cạnh tranh. Chính phủ Việt Nam luôn kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thể chế luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam không ngừng được cải thiện.
Đồng thời Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế để đảm bảo nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai. Về triển vọng chính sách vĩ mô, trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; bảo đảm an toàn nợ công và nợ nước ngoài... Đối với chính sách tiền tệ: kiểm soát lạm phát; bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống ngân hàng; nâng cao dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Cũng theo Chủ tịch, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 4/7 với mục tiêu thúc đẩy, kêu gọi đầu tư gián tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam. Với tinh thần Hội nghị kỳ này, Việt Nam muốn tạo diễn đàn đối thoại với các nhà đầu tư, đồng thời giới thiệu chính sách và đưa ra các cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư trong thời gian tới.
"Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, chúng tôi nghĩ rằng đây là cơ hội tốt nhất, thời điểm đầu tư tốt nhất để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gián tiếp cũng như đầu tư trực tiếp vào Việt Nam", Chủ tịch Trần Văn Dũng cho biết.
Những cơ hội từ thoái vốn
Chia sẻ về cơ hội đầu tư từ kế hoạch thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp trong giai đoạn tới, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết: giai đoạn 2017 - 2020, Nhà nước thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn tại các doanh nghiệp.
Riêng trong giai đoạn 2019-2020 danh mục thoái vốn quy mô lớn sẽ gồm rất nhiều các thương hiệu lớn như: Vietnam Airlines, Petrolimex, VEAM, VNSteel, Habeco, Sabeco, Vinamilk... và số vốn thoái có giá trị tới hàng tỷ USD. Vietnam Airlines giá trị sổ sách 14.182 tỷ; nhà nước giảm từ 86% xuống 36%, giá giao dịch trên thị trường là 40.500 đồng/cổ phiếu ngày 18/2/2019.
Petrolimex giá trị sổ sách 12.938 tỷ đồng; nhà nước giảm từ 76% xuống 25%; giá giao dịch trên thị trường là 59.000 đồng/cổ phiếu ngày 18/2/2019. VEAM thoái toàn bộ 88,47% vốn nhà nước, giá trị sổ sách 13.288 tỷ đồng; giá giao dịch trên thị trường 46.189 đồng/cổ phiếu.
VNSteel thoái toàn bộ 93,93% vốn nhà nước, giá trị sổ sách 6.780 tỷ đồng. Habeco thoái toàn bộ 81,79 % vốn nhà nước, giá trị sổ sách 2.318 tỷ; giá giao dịch trên thị trường 82.200 đồng/cổ phiếu. Sabeco thoái toàn bộ 36% vốn nhà nước; giá trị sổ sách 6.412 tỷ đồng; giá giao dịch trên thị trường là 247.000 đồng/cổ phiếu. Vinamilk thoái toàn bộ 36% giá trị vốn nhà nước; giá trị sổ sách 17.414 tỷ đồng; giá giao dịch trên thị trường 142.000 đồng/cổ phiếu. Bảo Minh thoái toàn bộ vốn nhà nước 50,7%; giá trị sổ sách 913 tỷ đồng; giá giao dịch trên thị trường 21.400 đồng/cổ phiếu. Vigracera thoái toàn bộ vốn nhà nước; giá trị sổ sách 4.483 tỷ đồng.
"Thông điệp của Việt Nam đó là thành công hay thất bại của nhà đầu tư nước ngoài cũng là thành công và thất bại của chúng tôi. Đây là cơ hội để các bạn trao đổi và đưa ra những đề xuất để biến những cơ hội thành hiện thực", ông Đặng Quyết Tiến cho biết.
Khẩu vị nhà đầu tư
"Trong chuyến thăm và tiếp xúc với các nhà đầu tư tại Anh quốc lần này, chúng tôi muốn đem câu chuyện thành công của HSBC và các khách hàng của mình đang hoạt động tại Việt Nam để kể cho họ. Những câu chuyện này là ví dụ sống động thể hiện nếu có cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ thu hoạch kết quả ấn tượng trong một nền kinh tế ổn định và độ tăng trưởng cao", ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, chia sẻ.
Các nhà đầu tư mong muốn tham gia đầu tư trong các lĩnh vực gắn với lợi thế riêng của nền kinh tế Việt Nam - dân số trẻ và tỷ lệ người có thu nhập trung bình tăng nhanh. Do đó, các lĩnh vực liên quan đến sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, năng lượng và dịch vụ hậu cần sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Họ đặc biệt muốn đầu tư vào các doanh nghiệp có quy mô và uy tín.
Có mặt tại Việt Nam hơn 15 năm qua nhưng Kusto là cái tên ít được biết đến trong giới đầu tư. Chỉ tới khi dự án Đảo Kim Cương bắt đầu bàn giao và thương hiệu Coteccons, mọi người mới biết tới cái tên Kusto nhiều hơn. "Chúng tôi luôn sẵn sàng đầu tư từ đầu nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng một nền tảng vững chắc, từ đó sẽ tạo ra lợi nhuận bền vững", ông Luis Garcia, Giám đốc Vận hành quỹ Kusto tại Việt Nam, cho biết.
Hiện tại, doanh thu tăng trưởng bình quân của các thương vụ mà Kusto đầu tư có mức tăng trưởng là 30%/năm. Cũng theo vị doanh nhân nước ngoài này, hiện Việt Nam là quốc gia được Kusto đầu tư có giá trị lớn nhất. Quản trị doanh nghiệp vẫn luôn là lĩnh vực cần các công ty Việt Nam quan tâm và phát triển. Trong 5 năm tới, Kusto Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực "truyền thống" như: bất động sản, xây dựng... với giá trị lớn hơn. Tuy nhiên, quỹ sẽ mở rộng ra những lĩnh vực mới như công nghệ, bán lẻ, y tế...