Đối với nhóm nhà đầu tư cá nhân lựa chọn hình thức đầu tư bất động sản ngắn hạn, cách "lướt sóng" là yếu tố rất quan trọng xác định sự thành hay bại của cuộc chơi. Dù thừa nhận, hình thức kinh doanh này rủi ro nhưng với họ, đây lại là công việc tạo ra nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng và mang đến khoản lời cao.
Anh Nhật Vinh cho biết: "Đa phần với các nhà đầu tư, họ thường chia danh mục bất động sản thành 3 nhóm. 10-15% bất động sản để kinh doanh dài hạn, xác định để 5-7 năm. 30% là bất động sản đầu tư trong thời gian 2-3 năm. Số còn lại là danh mục sản phẩm kinh doanh ngắn hạn. Tỷ lệ này có phần thay đổi giữa nhóm đầu tư dài hạn và ngắn hạn".
(Ảnh minh hoạ)
Theo anh Vinh, đối các nhà đầu tư ngắn hạn, quan điểm của họ là "ăn xổi ở thì", duy trì dòng tiền vào, ra liên tục. Đặc thù của nhóm đầu tư ngắn hạn là vốn mỏng nên họ cần liều lĩnh lướt sóng để tích tiền.
Hơn 5 năm kinh nghiệm "lướt sóng" trên thị trường, số lượng thương vụ thành công nhiều hơn thương vụ thất bại, anh Vinh chia sẻ: "Lướt sóng cần nắm các kĩ năng cơ bản thiết yếu".
Nhà đầu tư này phân tích, đầu tiên, phải xác định được nơi đâu sẽ có "sóng". Theo anh Vinh, thực tế, bất kỳ thị trường nào cũng có thể tạo sóng. Bởi hiện tại, sóng bất động sản xuất hiện đều do một nhóm nhà đầu cơ hay nhóm môi giới nào tiến hành tạo ra. Dĩ nhiên, cơ sở của việc tạo sóng chính là thông tin quy hoạch hoặc dự án chuẩn bị quy hoạch.
Các thông tin quy hoạch mà nhà đầu tư quan tâm là khu vực xã lên phường, huyện lên quận, thị xã lên thành phố. Ngoài ra, thông tin dự án đường được nhà đầu rất quan tâm.
"Khi nắm được thông tin có thể tạo sóng, nhà đầu tư nên khoanh vùng để xuống tiền. Tốt nhất nên xuống tiền sớm ngay sau khi nhận được thông tin vì sau đó sóng sẽ xuất hiện từ 1-2 tháng. Sau đó là đợi chờ đội ngũ kích sóng lên, mình chỉ ngồi hưởng lợi và rao bán sớm. Những cơn sóng này có đặc thù diễn ra nhanh chóng nên cần đẩy hàng đúng thời điểm", nhà đầu tư Vinh chia sẻ.
Trong khi đó, anh Phạm Viễn, một nhà đầu tư khác chuyên "lướt sóng" nhận định: "Rủi ro của hình thức đầu tư này rất lớn. Người thành công chỉ khoảng 40% còn người chôn vốn tới 60%. Thế nên, muốn lướt sóng tốt phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và khả năng phán đoán".
Anh Viễn cho rằng, nhà đầu tư khi xuống tiền mua đất không nên "đánh bắt quá xa bờ" bởi nếu sóng không thể lan tới các khu vực khác thì nguy cơ chôn vốn rất cao. Khoảng cách an toàn nhất đối với nơi có sóng từ 3-5km.
"Khi thị trường bắt đầu sôi động, giá bất động sản tăng 20-30% thì đây là thời điểm thích hợp để đẩy hàng. Có nhà đầu tư đợi chờ, neo được ở giá tốt nhưng không phải ai cũng chớp được mốc thời gian này. Nên an toàn nhất nên thanh khoản sớm bất động sản. Mặt khác, đặc tính của các cơn sóng hiện tại diễn ra rất nhanh và ngắn, nhất là khi thị trường chung đang trầm lắng", anh Viễn nói.
Anh Viễn cũng thừa nhận: "May mắn là yếu tố quan trọng trong lướt sóng. Vì sự biến động của thị trường là điều khó dự đoán. Và có nhà đầu tư tay ngang lại hợp với lướt sóng và kiếm được khoản tiền lời lớn".