Đó chính là chia sẻ của một nhà đầu tư kỳ cựu có 15 năm kinh nghiệm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, quản lý khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm của thị trường, nhà đầu tư này có những chia sẻ tới nhà đầu tư song không muốn tiết lộ tên tuổi.
Nhà đầu tư kỳ cựu này lý giải bản chất thực sự của thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp phát triển. Chứng khoán sẽ được nắm giữ bởi nhà đầu tư và sự giao dịch của nhà đầu cơ nuôi sống thị trường - tức tạo thanh khoản nên không thể thiếu 1 trong 2.
"Ở một thị trường khỏe mạnh khi nhà đầu tư nắm giữ nhiều cổ phiếu cơ bản tốt còn nhà đầu cơ trading và kiếm được lợi nhuận. Doanh nghiệp kinh doanh tạo ra lợi nhuận, dòng tiền quay trở lại thị trường bằng cổ tức hoặc sự tăng giá của cổ phiếu và làm thị trường khỏe hơn, tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Đây là thị trường Win Win khi tất cả đều được hưởng lợi. Từ người nắm giữ, người đầu cơ khi giá tăng thì ít khả năng xẩy ra thua lỗ hơn cũng như phía chủ doanh nghiệp. Ở thị trường này tất cả đều kiếm được tiền", nhà đầu tư kỳ cựu nêu quan điểm.
Theo nhà đầu tư kỳ cựu 15 năm trên thị trường, ở thị trường "WIN LOSE" - thị trường khi mà phần lớn các đội lái đánh lên cổ phiếu kém chất lượng. Nhà đầu cơ vào hùa theo và sau một thời gian khi đội lái hoặc chủ doanh nghiệp rút được tiền ra và nằm trong túi họ. Còn ở lại thị trường là những nhà đầu cơ thua lỗ. Nhà đầu tư thua lỗ và sau đó thường sẽ rút khỏi thị trường. Thị trường giảm bớt nhà đầu tư thì sẽ èo uột và khó tăng trưởng và phải chờ đợi một lớp nhà đầu tư mới.
Điển hình của thị trường "WIN LOSE" là thời điểm năm 2012-2015. Thời gian đó nhiều đội lái cổ phiếu nổi lên với những chiêu trò thổi giá cổ phiếu lớn nhanh như Thánh Gióng. Những công ty vài trăm tỉ được tăng vốn lên nhiều ngàn tỉ. Giá trị giao dịch đẩy lên cao trào. Phần lớn mọi người đều lao vào để "vặt" nhau... Sau 2 năm nhìn lại, nhà đầu tư cầm rất nhiều cổ phiếu còn ông chủ rút ra hàng ngàn tỉ đồng lãi. Sau đó, ông chủ lại tiếp tục vẽ game mới ở cổ phiếu mới, rồi lại rút ra hàng ngàn tỷ đồng bỏ lại các nhà đầu tư bơ vơ.
Cũng từ đây, nhiều ông chủ khác cũng học theo và tạo ra những hệ sinh thái "rác" nổi tiếng trên thị trường.
"Hệ lụy của thời gian đó là thị trường chứng khoán Việt Nam bị định giá rất thấp. Chỉ số PE thấp nhưng thị trường không tăng được. Thị trường khi đó đã bị hiện tượng rút củi đáy nồi", nhà đầu tư này nói.
Trở lại thực tại, các nhà đầu tư phải đặt mình trong một bài toán lựa chọn. Một là, thị trường WIN WIN khi tất cả cùng kiếm được tiền hay thị trường "WIN LOSE", vì lợi ngắn hạn mà cổ suý cho những doanh nghiệp chất lượng thấp còn các ông chủ rút ruột nhà đầu tư để nhét đầy túi mình. Và sau đó là chính các bạn mất tiền trong một thị trường èo uột thiếu thanh khoản, khi dòng tiền bị rút ra và không quay trở lại.
Việc tạo ra thị trường khi tất cả cùng thắng hay tạo ra thị trường tiền chui vào túi một bộ phận nhỏ điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhà đầu tư, những nhà môi giới chứng khoán tư vấn đầu tư. Đừng vì cái ngắn hạn mà đạp đổ chính nồi cơm của mình.