Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi các cổ phiếu đầu cơ chỉ là “giọt nước tràn li” vào lúc này bởi thị trường gần đây hoàn toàn tăng nhờ cổ phiếu lớn. Đặc biệt, hoạt động đầu cơ cũng khiến nhà đầu tư (NĐT) thua lỗ vì không hút được dòng tiền như trước.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ thời gian gần đây liên tục đỏ sàn (Ảnh: IT)
Xả cổ phiếu đầu cơ
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, theo ghi nhận sắc “đỏ” vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Chẳng hạn, mã OGC của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương tiếp tục giảm 1,4%, về mức 2.110 đồng/CP. Đây cũng là mã cổ phiếu được NĐT... bán tháo mạnh khi giá cổ phiếu hồi phục sắc xanh. Đặc biệt, liên tiếp hai phiên ngày 11 và 12.1 vừa qua, khi OCG bất ngờ tăng trần nên giá trị khớp lệnh tăng đột biến, đạt tới hơn 10,7 triệu và hơn 7,2 triệu cổ phiếu, gấp 3 - 5 lần so với khối lượng trung bình giao dịch các phiên trước đó.
Tương tự, cổ phiếu HAI của Nông Dược H.A.I trong 2 tuần trở lại đây cũng chứng kiến những phiên giao dịch khớp lệnh “khủng”. Chẳng hạn, phiên giao dịch ngày 17.1, cổ phiếu HAI bất ngờ tăng lên 7.950 đồng/CP với giá trị khớp lệnh đạt trên 24 triệu cổ phiếu, cao gấp gần 20 lần so với khối lượng giao dịch bình quân chỉ từ 1 đến 2 triệu cổ phiếu trong các phiên trước. Trong 4 phiên liên tiếp sau đó, cổ phiếu HAI lại liên tục “đỏ sàn” khiến NĐT tiếp tục tháo chạy khỏi mã cổ phiếu này với khối lượng khớp lệnh từ 10 - 12 triệu cổ phiếu mỗi phiên, gấp 2-3 lần khối lượng giao dịch trung bình các phiên trước.
HQC của Địa ốc Hoàng Quân cũng là một mã cổ phiếu đầu cơ khiến NĐT đau đầu. Từ đầu năm 2018 đến nay, HQC có vài phiên tăng mạnh nên nhà đầu tư có cơ hội xả hàng. Chẳng hạn, phiên giao dịch 5.1 và 11.1, khối lượng khớp lệnh cổ phiếu HQC đạt hơn 13,2 triệu và 12,7 triệu cổ phiếu, tăng gấp 3-4 lần.
Với “ông lớn” HVG của Thủy sản Hùng Vương, việc tiếp tục lỗ nặng trong năm tài chính 2016-2017 khiến NĐT sốc nặng. Cụ thể, BCTC sau kiểm toán, HVG ghi lỗ 705 tỷ đồng và bị đưa vào diện kiểm soát, chỉ được giao dịch vào phiên chiều khiến NĐT tiếp tục tháo chạy khỏi mã đầu cơ này. Trong đó, đáng chú ý là 2 phiên 10.1 và 17.1, khối lượng giao dịch khớp lệnh của HVG đạt 4,3 triệu và 8,1 triệu cổ phiếu; cao gấp 2-4 lần trung bình các phiên.
Một loạt các mã cổ phiếu đầu cơ khác như: AMD, QCG, KVC, PVL, DST, PIV, BII... cũng liên tục “đỏ sàn” và đứng giá khi dòng tiền không còn chảy vào nhóm cổ phiếu này, bất chấp đà tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán và chỉ số VN-Index. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 26.1, chỉ số VN-Index tăng thêm 11,07 điểm, tương ứng 1% lên 1.115,64 điểm. HNX-Index tăng 0,2 điểm, tương ứng 0,16% lên 126,82 điểm.
Nhà đầu tư mệt mỏi
Thực tế, thời điểm những tháng cuối năm 2017, dòng tiền bất ngờ đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu đầu cơ bất chấp cảnh báo của các chuyên gia về hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” của thị trường chứng khoán. Anh Nguyễn Văn Bình, một nhà đầu tư gom khá nhiều cổ phiếu HQC, HAI cho biết, cổ phiếu đầu cơ đang quá... rẻ, nhiều cổ phiếu chỉ ở mức giá... trà đá nên việc đầu tư này coi như một khoản để dành.
“Biết đâu bước sang đầu năm 2018 khi thị trường chứng khoán ngày càng tăng mạnh lên mức 2.000 điểm như giới chuyên gia dự đoán thì có thể mình sẽ thắng lớn”, anh Bình nói.
Tâm tư của anh Bình cũng là của khá nhiều nhà đầu tư ít tiền hoặc “gà mờ” khác trên thị trường chứng khoán. Một NĐT có nickname hoahuongduong.dl than thở trên một diễn đàn chứng khoán: “Nghe nói đầu tư vào cổ phiếu trà đá có thể một vốn có thể mang về lợi nhuận gấp cả chục lần chỉ trong thời gian ngắn, nếu chọn đúng cổ phiếu. Thế nên mới ôm vào em HQC để chờ hệ thống nhà ở xã hội của “ẻm”. Ai ngờ mới mấy tuần đã mất toi cả vài tháng lương rồi... Ai tư vấn giúp em với, nên giữ lại hay... cắt lỗ”.
Thực tế, câu chuyện bán tháo cổ phiếu đầu cơ không phải là mới. Theo các chuyên gia chứng khoán, câu chuyện cổ phiếu thấp bất ngờ tăng trần, rồi sau đó giảm sàn liên tục không lạ vì đây đều là những mã cổ phiếu mang nhiều yếu tố rủi ro, bởi bản chất của nền tảng tăng giá thời điểm ban đầu đã không bền vững.
“Khi bắt đầu chuỗi phiên tăng trần, hầu hết các lý do được đưa ra chỉ để hợp thức hóa việc cổ phiếu tăng mạnh, từ quá trình tái cơ cấu công ty cho tới những khoản lợi nhuận đột biến được kỳ vọng sẽ ghi nhận tương lai. Hoặc cả những đồn đoán về việc có một nhóm NĐT có tiềm lực nào đó đang có ý định thâu tóm doanh nghiệp khiến cổ phiếu đó tăng mạnh. Thực chất đà tăng giá của nhóm cổ phiếu này có thể do một nhóm NĐT đứng sau hậu thuẫn, hay nói cách khác là "chèo, lái đường đi" của cổ phiếu để kiếm lời”, một chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nói.
Trong khi đó, theo đại diện của Công ty Chứng khoán Rồng Việt thì nhận định, việc cổ phiếu đầu cơ bị bán mạnh và giảm sàn thời gian gần đây có thể bắt nguồn từ việc các công ty chứng khoán thu hồi các khoản cho vay ký quỹ để giảm dư nợ cho vay, chốt sổ sách cho báo cáo tài chính quý 4/2017. Đây cũng là điều bình thường vì vào mỗi thời điểm cuối quý, việc giảm dư nợ cho vay ký quỹ được thực hiện, khiến cho số liệu cho vay margin tại thời điểm này trên báo cáo tài chính thường không biến động nhiều giữa các quý...