Tết nguyên đán đang đến rất gần và nhà đầu tư sẽ có kỳ nghỉ dài phía trước. Nên bán hay mua tích lũy đang là một câu hỏi lớn của nhiều người. Và, đáp án của câu hỏi này sẽ là một phần lớn để xác định xu hướng thị trường chứng khoán sau tết.
Thị trường chứng khoán Việt Nam thường diễn biến ra sao sau tết?
Thông thường, trước một kỳ nghỉ dài của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thường có tâm lý giữ tỷ trọng tiền cao trong danh mục để đảm bảo an toàn tài khoản. Lý do là vì họ e ngại những sự kiện lớn ngoài dự đoán có thể xảy ra trong một quãng thời gian dài. Những nhà đầu tư theo trường phái "an toàn là bạn" thường chọn phương án này và họ bán giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Tuy nhiên, theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ VN-Index tăng điểm trong 5 ngày đầu tiên của năm mới áp đảo so với những năm giảm điểm. Cá biệt có những năm như năm 2004, thị trường chứng khoán đạt mức tăng "khủng" 13% chỉ cho 5 phiên giao dịch sau tết. Năm 2012 cũng là một năm huy hoàng với đà tăng 7,71%. Cá biệt có chuỗi 6 năm liên tiếp từ 2014 đến 2019 thị trường chứng khoán đều ghi nhận việc tăng giá sau kỳ nghỉ lễ dài trong đó 2018, 2019 là 2 năm bứt phá mạnh.
Riêng năm 2020, nhà đầu tư gặp "thiên nga đen" là dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc gây ra nỗi lo trên toàn cầu. Sau kỳ nghỉ lễ dài, VnIndex bị giảm mạnh 6,61%.
Tết 2021-nhà đầu tư nên chọn mua hay bán?
3 phiên giao dịch cuối tuần trước, nhà đầu tư nhận thấy bên mua đang khá "hung hãn". Dù đối mặt với lực bán cơ cấu danh mục trước kỳ nghỉ lễ dài nhưng thị trường chứng khoán khá cân bằng. Hiện tại, nhà đầu tư vẫn còn 2 phiên giao dịch nữa trước nghỉ tết. Việc theo một số nhà đầu tư mua gom cổ phiếu với kỳ vọng ăn lộc đầu năm đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, bên bán cơ cấu cũng mạnh tay không kém phần.
Để giúp nhà đầu tư có thêm lý luận nên mua hay bán trước một kỳ nghỉ dài, chúng tôi điểm qua một số yếu tố:
-Thứ nhất: Một kỳ nghỉ dài có thể mang lại những yếu tố ngoài dự đoán của nhà đầu tư. Vì thế, trên quan điểm thận trọng, nhiều nhà đầu tư thường chọn phương án an toàn là giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Đừng quên rằng dù xác suất thị trường chứng khoán tăng mạnh sau tết là rất cao nhưng sự kiện "thiên nga đen" sau tết 2020 đã khiến rất nhiều nhà đầu tư mất tiền.
-Thứ hai: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh RẤT MẠNH trước những phiên cuối cùng của năm 2020 kéo VnIndex từ ngưỡng 1.200 về ~1.000 điểm tương ứng mất 200 điểm. Cú sốc giảm giá này đã khiến nhiều cổ phiếu rẻ hơn trước đó và việc mua gom trước tết diễn ra mạnh hơn so với bên bán. Cung-cầu cổ phiếu đã có một nhịp để điều chỉnh mạnh trước những phiên cuối cùng. Nói một cách dễ hiểu hơn, bên BÁN đã bị mất cơ hội bán với giá tốt, bây giờ nếu bán sẽ phải bán với giá không như ở giai đoạn đỉnh cao.
-Thứ ba: Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam vẫn đang diễn biến khó lường. Nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin vào việc Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được các ổ dịch nhưng điều gì có thể xảy ra thì không thể biết được.
-Thứ tư: Bối cảnh kinh tế vĩ mô khá tốt. Việt Nam vẫn đang được đánh giá là "ngôi sao đang lên" và nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào điểm này.
-Thứ năm: Thị trường chứng khoán đang có những phiên "tăng sốc-giảm sâu", nếu nhà đầu tư giữ trạng thái tiền/cổ phiếu quá cao thì rủi ro mua đuổi giá ngay sau tết trong kịch bản thị trường chứng khoán tăng mạnh. Ngược lại, giữ tiền mặt thấp quá hoặc dùng margin cao xuyên tết sẽ khiến nhà đầu tư chịu rủi ro nhiều hơn.
-Thứ sáu: Dòng tiền mạnh từ các quỹ đầu tư, các tổ chức vào thị trường chứng khoán Việt đang rất mạnh mẽ trước kỳ nghỉ dài. Khối ngoại cũng đã mua ròng nhiều phiên liên tiếp cho thấy kỳ vọng của họ vào triển vọng thị trường chứng khoán Việt đang khá tốt. Đây cũng là điểm mà bên mua gom tích lũy cổ phiếu trước tết cần quan tâm.