Theo EuroCham, điều quan trọng không chỉ là việc luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cần được ban hành càng sớm càng tốt, mà còn là xây dựng mối quan hệ tin cậy lâu dài và các quy tắc rõ ràng giữa Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp và các thị trường.
Hiệp hội doanh nghiệp Châu âu tại Việt Nam EuroCham cho biết đã có 109 kiến nghị để cải thiện Luật về PPP, dự án luật đang được lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện.
Và điều quan trọng được EuroCham nhấn mạnh chính là thông qua luật này, xây dựng mối quan hệ tin cậy lâu dài và các quy tắc rõ ràng giữa Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp và các thị trường.
Cũng đề cập Luật PPP, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JJCI) nêu bối cảnh nợ công của Việt Nam đã gần chạm đến giới hạn cao nhất là 65% so với GDP và Việt Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để hạn chế các khoản vay.
"Trong bối cảnh đó, chúng tôi cho rằng việc áp dụng một cách tích cực mô hình PPP là một trong những phương thức hiệu quả để sử dụng nguồn vốn tư nhân và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thay cho Chính phủ", JJCI nêu quan điểm.
Tuy nhiên, JJCI cũng nhấn mạnh, mô hình PPP tức là doanh nghiệp tư nhân thực hiện đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng thay cho Chính phủ, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại sự rủi ro khi tham gia hình thức này. Chính vì thế Chính phủ nên làm rõ sự chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư tư nhân, hỗ trợ toàn diện cho các nhà đầu tư tư nhân để họ có thể thu hồi vốn một cách an toàn sau khi đã mạo hiểm thực hiện đầu tư.
Bên cạnh đó, JJCI cũng đặc biệt lưu ý rằng, khi các doanh nghiệp nước ngoài trong đó bao gồm các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các dự án PPP, Việt Nam cần hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ và áp dụng "Pháp luật nước ngoài" làm luật điều chỉnh.
JJCI cũng cho rằng cần cho phép sử dụng trọng tài nước ngoài trong tất cả các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm "bất động sản" như một điều khoản về giải quyết tranh chấp. Cho phép các nhà đầu tư và các công ty dự án được đặt ra quyền thế chấp cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng vận hành tài sản trên đất và thiết bị dự án. Làm rõ sự chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư tư nhân, Chính phủ cũng sẽ gánh chịu rủi ro thông qua các loại bảo lãnh của Chính phủ trong đó có việc chuyển đổi ngoại tệ .
Nhóm công tác hạ tầng cũng bày tỏ, cần xem xét thêm một số điểm của dự thảo Luật PPP, cụ thể là luật này không nên có tính ưu tiên áp dụng thấp hơn so với Luật Đầu tư công.
Các dự án đối tác công tư là các dự án được triển khai và tài trợ bởi khu vực tư nhân. Vốn nhà nước cho bất kỳ nguồn vốn bù đắp thiếu hụt tài chính nào trong dự án đối tác công tư phải là một khoản tài trợ cho lợi ích của các dự án đối tác công tư và các nhà đầu tư. Luật đối tác công tư mới cần có một chương hoặc phần nêu các nguyên tắc tài trợ và sử dụng vốn nhà nước, nhưng điều đó không có nghĩa là các thủ tục theo Luật Đầu tư công phải được áp dụng cho các nhà đầu tư khu vực tư nhân, nhóm công tác nêu quan điểm.
Nhóm này cũng cho rằng, bất kỳ sự tham gia nào của nhà nước trong phần vốn chủ sở hữu của một dự án đối tác công tư phải được thực hiện thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Điều này sẽ tránh được bất kỳ quy định chồng chéo nào về ngân sách nhà nước và vốn nhà nước.
Bảo lãnh nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước trong vai trò là nhà cung cấp hoặc bên bao tiêu sản phẩm cũng là vấn đề được nhóm công tác cơ sở hạ tầng lưu ý.
Phân tích của nhóm này là, các quy định hiện hành về đối tác công tư chỉ quy định bảo lãnh đối với việc không thực hiện nghĩa vụ của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước lớn như PVGas, EVN/EPTC và Vinacomin đã hoặc sẽ sớm được cổ phần hóa trong khi vẫn giữ được cả quyền kiểm soát đa số của nhà nước và vị thế độc quyền/thống lĩnh thị trường.
Do đó, Luật PPP cần quy định về bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ không chỉ đối với các doanh nghiệp nhà nước mà cả các doanh nghiệp do Nhà nước kiểm soát, đó là các doanh nghiệp giữ vị trí độc quyền/thống lĩnh thị trường trong việc cung ứng nguyên liệu hoặc thị trường bao tiêu sản phẩm.