Anh T.A, hiện đang sinh sống tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, mới đây anh phải ngậm đắng, nuốt cay đền cọc mất 500 triệu đồng bằng chiêu trò lướt cọc cực kỳ tinh vi.
Theo anh T.A, khoảng thời gian tháng 6 vừa qua, gia đình anh có khoản tiết kiệm khoảng 2,5 tỷ đồng. Ban đầu, với số tiền này anh dự định sẽ mở cửa hàng kinh doanh, nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp nên anh lùi kế hoạch này lại. Nghĩ rằng để tiền một chỗ sẽ lãng phí, do đó anh T.A nghĩ đến chuyện đem đi đầu tư đất, đến khi triển khai kinh doanh anh sẽ bán đi nhằm kiếm thêm tiền lãi.
“Thấy tiền để một chỗ lãng phí quá, tôi thì cũng không có kiến thức đầu tư bất động sản nhưng nhìn nhiều người họ đi đầu tư có lãi. Nên tôi dự định mang số tiền này đầu tư trong vòng khoảng 6 - 8 tháng, đầu năm 2022 sẽ bán mảnh đất đó đi để lấy tiền kinh doanh có khi lãi thêm 50 -100 triệu đồng”, anh T.A nói.
Đến giữa tháng 6, khi thấy anh V.T có rao bán mảnh đất tại Quảng Ninh rộng 130m2, với mức giá 2,3 tỷ đồng. Sau khi đến tận nơi xem trực tiếp, anh T.A thấy giá quá hời nên cũng đồng ý cọc ngay.
“Đến xem trực tiếp, tôi thấy mảnh đất đó rẻ hơn so với xung quanh nên đồng ý mua và làm giấy tờ cọc 300 triệu đồng. Chỉ sau 3 ngày, anh Đ.B liên hệ với tôi hỏi mua miếng đất vừa cọc. anh Đ.B trả tôi tận 2,8 tỷ đồng, nếu giao dịch đó thành công có nghĩa là tôi lãi ngay 500 triệu đồng chỉ sau vài ngày, thậm chí tôi còn chưa cần bỏ tiền ra để ôm mảnh đất đó”, anh T.A nói.
Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu xảy ra từ đây, sau khi thương lượng về giá xong, anh Đ.B xuống tiền cọc cho anh T.A hẳn 1 tỷ đồng. Tưởng rằng, do anh Đ.B sợ anh đổi ý không bán nên mới cọc nhiều. Nhưng gần tới ngày giao dịch đất thì anh V.T đổi ý không bán và đền cho anh T.A 300 triệu đồng tiền cọc như thỏa thuận.
Sau đó, vì anh T.A không có đất để bán lại cho anh Đ.B trong khi tiền cọc đã nhận và hợp đồng mua bán viết tay đã ký. Khi ấy, anh T.A mới tá hỏa vì anh Đ.B yêu cầu đền cọc 1 tỷ đồng, bằng với số anh đã nhận cọc.
“Vì không có đất bán nên họ yêu cầu tôi bồi thường cọc nếu không sẽ làm đơn kiện. Tôi thì cũng không am hiểu nhiều về pháp luật và bất động sản nên cứ nghĩ mình ký rồi thì phải bồi thường cho người ta. Lúc đó, tôi vẫn cố gắng trao đổi, cuối cùng họ đồng ý nhận 800 triệu tiền đền cọc, trừ đi 300 triệu đồng mà anh V.T đền cọc cho tôi, tức là tôi mất 500 triệu đồng”, anh T.A trầm ngâm nói.
Sau khi giải quyết xong, anh T.A mới nghĩ ra vấn đề anh chưa hề rao bán mảnh đất đó nhưng anh Đ.B đã biết thông tin liên hệ hỏi mua. Lúc này anh T.A mới đặt ra nghi vấn do anh V.T và anh Đ.B thông đồng với nhau từ trước.
“Có thể họ nhận ra tôi không am hiểu nhiều. Xong hết mọi chuyện tôi mới nghĩ ra, đúng là lúc đó tôi tham quá nên vội không suy xét gì cả. Nhưng tất cả cũng chỉ là tôi dự đoán, cũng không có bằng chứng gì để kiện người ta cả”, anh T.A nói.
Chiêu lướt cọc thường được nhà đầu tư sử dụng nhiều trong các con "sốt đất".
Theo anh Vũ Văn Tùng - nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, thực tế chiêu thức “lừa cọc” này tưởng đơn giản nhưng thực tế rất nhiều người non kinh nghiệm đã mắc phải, khi đánh vào lòng tham.
Anh Tùng cho biết, để tránh trường hợp như anh T.A, đặc biệt trong các "cơn sốt" đất thì nhà đầu tư thường hay sử dụng việc lướt cọc tương tự cần chú ý không nhận tiền cọc của người thứ 3 nhiều hơn so với tiền cọc mà mình đặt cho chủ nhà.
Nhà đầu tư này khuyên: “Thường những người bắt tay nhau để lừa cọc kiểu này thường sẽ rao bán lô đất rẻ hơn xung quanh rồi tìm hiểu người mua có hiểu biết hay không. Sau đó, khi chắc chắn người mua không am hiểu thì sẽ bày trò, chiêu thức này diễn ra thường xuyên, nhiều nhà đầu tư non kinh nghiệm đều mắc phải bởi không có nhiều am hiểu thực tế. Đặc biệt, trong các cơn sốt đất, đa phần nhà đầu tư cũng chỉ lướt cọc rồi bán ngay cho người khác ăn chênh lệch. Do đó, để tránh trường hợp này, thì tuyệt đối người mua không nên nhận tiền cọc của người mua lại lớn hơn số tiền mà mình cọc cho chủ nhà”.