Thời gian qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ riêng trong năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm từ 2017-2020 cộng lại. Kết thúc năm 2021, tổng số tài khoản chứng khoán lên tới 4,2 triệu tài khoản. Tuy nhiên, giai đoạn này thị trường chứng kiến nhiều hơn sự tham gia của khối nhà đầu tư trong nước, trong khi khối ngoại lại bán ròng 4 tỷ USD trong 2 năm qua. Chính vì vậy, các chuyên gia hy vọng những giải pháp trên của cơ quan quản lý sẽ giúp thúc đẩy dòng tiền nội và ngoại vào thị trường.
Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó TGĐ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cùng ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc CTQL Quỹ SGI (SGI Capital) đã có những chia sẻ về câu chuyện dòng vốn ngoại và những giải pháp hút tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
BTV Mùi Khánh Ly: Thời gian qua dòng tiền vào thị trường đã tăng mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ qua. Trong đó, chiếm phần lớn là dòng tiền đến từ các nhà đầu tư trong nước và thiếu đi dòng tiền ngoại trên thị trường. Các ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?
Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó TGĐ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)
Đối với thị trường chứng khoán năm 2021 là một năm bùng nổ, quy mô thanh khoản của thị trường cũng liên tục có sự tăng trưởng, ghi nhận mức kỷ lục trung bình trên 26.500 tỷ/phiên. Những con số biết nói này nói lên sự thành công và sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong năm 2021 đối với các nhà đầu tư. Năm 2021 cũng là một năm thu hút lượng nhà đầu tư mới vào thị trường. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã đạt trên 1,5 triệu tài khoản, kết thúc năm 2021, tổng số tài khoản là 4,2 triệu tài khoản. Sự tham gia năng động chủ yếu đến từ khối các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện hiện tượng rút vốn ra khỏi thị trường. Tuy nhiên số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam thì không giảm so với những năm trước mà vẫn duy trì ở mức khá ổn định, vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc CTQL Quỹ SGI (SGI Capital)
Sự thay đổi này đánh dấu một giai đoạn mới, thị trường chứng khoán thực sự trở thành một kênh đầu tư, một kênh tài sản, bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như gửi ngân hàng, kênh đầu tư bất động sản, những kênh mà trước đây đại đa số người Việt Nam hay để dành tiền của mình cho những kênh truyền thống như vậy. Kinh tế Việt Nam phát triển đến giai đoạn thu nhập và những nhu cầu cơ bản và thiết yếu như thực phẩm, ăn mặc…đã được đáp ứng, và khi phát triển đến giai đoạn thu nhập bình quân tăng lên vượt qua 3.000 USD lên đến khoảng 5.000 USD thì nhu cầu về đầu tư tài chính, về làm giàu sẽ gia tăng rất nhanh, Việt Nam đang dần tiệm cận giai đoạn đó.
Hai năm vừa rồi xảy ra Covid 19 và cùng với sự hỗ trợ của công nghệ mới đã kích hoạt một làn sóng tham gia đầu tư đông đảo vào thị trường chứng khoán. Đó là xu hướng mới, bắt đầu cho giai đoạn mới và chúng ta sẽ còn tiếp tục nhìn thấy sự tham gia vào thị trường chứng khoán của ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư trong nước vào các năm tới, khoảng 10- 20% dân số sẽ có tài khoản chứng khoán như sự phát triển trước của Trung Quốc hay Thái Lan. Những đất nước phát triển trước chúng ta hàng chục năm. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì quá trình 10-20 năm đó sẽ rút ngắn lại, chỉ khoảng 5-10 năm.
BTV Mùi Khánh Ly: Vâng, trước sự tham gia sôi động của nhiều nhà đầu tư trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần dòng tiền nội cũng đủ giúp thị trường phát triển, hai ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc CTQL Quỹ SGI (SGI Capital)
Chắc chắn chúng ta sẽ cần cả hai dòng vốn nước ngoài cũng như trong nước để phát triển thị trường chứng khoán cũng như phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần những công nghệ mới, kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ mang theo các chuẩn mực quốc tế ở mức cao, đồng thời tiếp nối các dòng vốn, cũng như các hoạt động mang tính quản trị về chuyên môn, kết nối Việt Nam với toàn cầu một cách toàn diện hơn.
Sự đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài cũng có những tính chất dẫn dắt trong 20 năm qua đối với thị trường tài chính trong nước và trong nhiều năm tới vai trò đấy vẫn rất cần thiết. Với phần đông các nhà đầu tư ở Việt Nam thì kiến thức đối với kênh tài sản này còn tương đối hạn chế, dễ dẫn đến chuyện bị dẫn dắt vào những phần rủi ro trên thị trường chứng khoán.
Vì thế tôi nghĩ sự dẫn dắt của những nhà đầu tư nước ngoài và những nhà đầu tư tổ chức trong nước đối với dòng vốn kể cả trong nước lẫn nước ngoài đều đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó TGĐ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)
Sự bùng nổ của TTCK trong 2 năm vừa qua với vai trò dẫn dắt của nhà đầu tư trong nước chứng minh một điều là tiềm năng, nội lực của TTCK Việt Nam còn rất lớn, nếu biết khai thác được nội lực này thì chúng ta có thể giúp TTCK phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không quan tâm đến dòng vốn ngoại, dòng vốn ngoại thì chúng ta phải xác định đây là dòng vốn hết sức quan trọng và thiết yếu với bất kì TTCK nào.
Dòng vốn ngoại đã và sẽ mang lại những nguồn vốn tiềm năng và lớn, thật ra mà nói, so với quy mô những TTCK ở trong khu vực và quốc tế, TTCK Việt Nam của chúng ta vẫn còn rất nhỏ bé. Sự tham gia của những nhà đầu tư quốc tế lớn, đặc biệt là đầu tư tổ chức, có những ý nghĩa hết sức to lớn trong việc dẫn dắt xu hướng đầu tư. Đồng thời, họ đem lại nhiều kinh nghiệm, những thông lệ quốc tế để cho thị trường sôi động hơn, lành mạnh hơn. Thậm chí là họ có những tác động đến khía cạnh quản trị cho những doanh nghiệp Việt Nam mà họ tham gia vào. Về mặt dài hạn thì chúng ta cần coi trọng và phát triển cả hai dòng vốn nội và ngoại.
BTV Mùi Khánh Ly: Trong các giải pháp giúp thúc đẩy dòng tiền ngoại và nội vào thị trường thì nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến giải pháp mua bán trong ngày T+0 đang được cơ quan quản lý hoàn thiện, các giải pháp về sản phẩm mới và nâng hạng thị trường. Theo các ông thì những giải pháp này đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy dòng tiền vào một thị trường?
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc CTQL Quỹ SGI (SGI Capital)
Thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù chưa chính thức được là thị trường mới nổi nhưng đã có rất nhiều tiêu chí chúng ta đạt được để vươn lên top những thị trường mới nổi rồi. Ví dụ như năm 2021 thanh khoản giao dịch trung bình thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua rất nhiều thị trường mới nổi. Trong khu vực ASEAN chúng ta chỉ đứng thứ hai sau thị trường Thái Lan, đã vượt qua Philippines, Malaysia, Singapore…Có khá nhiều các quỹ lớn trên thế giới chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi đã bắt đầu đặt chân vào Việt Nam, mặc dù Việt Nam chưa chính thức được xếp hạng là thị trường mới nổi. Và hiện nay, nếu hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch của chúng ta tiếp tục xử lý được một vài những vấn đề tồn đọng lại như hệ thống công nghệ thông tin mới được áp dụng, từ đó triển khai T+0 hay vấn đề nâng hạng thị trường…thì sẽ có một số thay đổi lớn sẽ xảy ra đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ví dụ như thị trường Thái Lan hay Hàn Quốc trước đây, khi họ chuyển từ giao dịch T+ sang thành T+0 giao dịch trong ngày thì thanh khoản thị trường đã tăng đột biến lên gấp hai lần. Và trên nền đó, khá nhiều sản phẩm khác nhau được các công ty chứng khoán, các tổ chức đầu tư triển khai cho nhà đầu tư và vì thế mà thị trường trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó TGĐ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)
Thực tế, có thể kể đến thế hệ luật mới, sau đó các văn bản pháp lý dưới luật cũng được triển khai đồng bộ và căn bản cũng đã được hoàn thiện. Còn những giải pháp về mặt kỹ thuật, việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị, đặc biệt là các thành viên thị trường cũng đã được đầu tư rất lớn, từ đó giúp cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào thị trường trở nên rất thuận lợi và dễ dàng hơn.
Đối với công tác nâng hạng thị trường thì đến nay những tiêu chí để những tổ chức nâng hạng thị trường họ có thể xem xét đưa chúng ta vào danh sách thị trường mới nổi cũng đã được rút bớt nhiều. Một số vấn đề còn lại chỉ mang tính kỹ thuật, sẽ tiếp tục được hoàn thiện, những khía cạnh về mặt công nghệ thông tin cũng sẽ giải quyết được.
BTV Mùi Khánh Ly: Vậy trong năm Nhâm Dần, theo các ông đâu sẽ là những giải giáp thu hút dòng tiền cả nội lẫn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam một cách hiệu quả?
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc CTQL Quỹ SGI (SGI Capital)
Sự ổn định của hệ thống giao dịch là điều cốt yếu và hệ thống giao dịch mới KRX rất cần được đưa vào sớm để tất cả thành viên trong thị trường có thể chủ động đưa ra kế hoạch của mình trong việc phát triển sản phẩm cũng như thu hút khách hàng mới. Khi hệ thống này được chính thức đưa vào, sẽ có nhiều tổ chức quốc tế đánh giá lại Việt Nam để nâng hạng lên thị trường mới nổi. Còn những giải pháp khác như việc tiếp tục duy trì nâng cao hơn nữa chất lượng tài sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam…thực hiện được điều đó thì sức hấp dẫn, sự uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam càng ngày càng tăng.
Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó TGĐ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)
Chắc chắn rằng trong những năm tới thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho các cơ quan quản lý, cơ quan vận hành của thị trường trong đó có Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cũng rất lớn.
Với sự gia tăng về quy mô giao dịch, số lượng nhà đầu tư, số lượng các tổ chức phát hành, thì chúng tôi vẫn phải đảm bảo hoạt động của thị trường, hoạt động đăng ký lưu ký và thanh toán bù trừ phải được vận hành suôn sẻ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Tất cả giải pháp đó đã nằm trong kế hoạch triển khai của cơ quan quản lý cũng như cơ quan vận hành thị trường. Và kế hoạch đưa hệ thống thanh toán bù trừ mới trong đó có những giải pháp về triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm CCP cho giao dịch của thị trường chứng khoán cơ sở và cả những cơ chế giao dịch mới, bao gồm giao dịch trong ngày T+0, giao dịch bán chứng khoán trên tài khoản chờ về cũng đã được tính toán và đưa vào trong yêu cầu đối với hệ thống công nghệ thông tin mới.
Chúng tôi tin rằng trong năm nay khi hệ thống công nghệ thông tin mới hoàn thành công tác thử nghiệm và nghiệm thu chức năng thì khi những giải pháp này sẽ được triển khai một cách đồng bộ. Từ đó cũng sẽ cho phép triển khai thêm những sản phẩm mới đặc biệt là đối với những sản phẩm của thị trường phái sinh. Bên cạnh đó, hiện nay cơ quan quản lý cũng có kế hoạch lớn trình Chính phủ thông qua đề án chiến lược phát triển thị trường giai đoạn 2021-2030. Trong đó đặt ra những lộ trình cho việc phát triển thị trường ở tất cả khía cạnh, giúp cho hoạt động thị trường trở nên sôi động hơn và bền vững hơn.