Tâm lý sốt sắng của các nhà đầu tư là dễ hiểu sau nhiều tháng liền phải "bó chân" khi Tp.HCM và các địa phương lân cận phía Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài. Đây không chỉ là tâm lý của nhà đâu tư chuyên nghiệp, có sẵn tiền, mà cũng là tâm lý xuất hiện ở các nhà đầu tư F0.
Theo các chuyên gia, lúc này, các NĐT khá băn khoăn là nên giữ hay bán tài sản để tìm cơ hội khác. Hiện nay có 2 xu hướng trái chiều nhau diễn ra trên thị trường là: không ít nhà đầu tư chờ thị trường mở cửa để bán sản phẩm, rút vốn, nhưng vẫn có một dòng vốn luôn sẵn sàng mua vào nếu bất động sản có mức giá tốt và chất lượng.
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, nhu cầu người mua có giảm một chút do tác động của dịch Covid-19. Riêng đối với nhà đầu tư, lực cầu kinh doanh vẫn rất mạnh, rất khỏe. Đồng thời lực cầu từ các ngành nghề khác kinh doanh kém hiệu quả đang chuyển vốn sang bất động sản với hy vọng tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lợi, thu về lợi nhuận cao từ khai thác kinh doanh, từ việc tăng giá trị của bản thân bất động sản.
"Tôi cho rằng, lực cầu trên thị trường rất lớn, đặc biệt trong quý 4 dòng tiền sẽ dồn về các "vùng trũng" như đất nền, khu đô thị phát triển, những khu du lịch nghỉ dưỡng có tiềm năng phát triển tốt", ông Đính nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, sự khan hiếm nguồn cung cũng sẽ tác động mạnh đến sự hồi phục của thị trường sau dịch Covid-19 do nhu cầu của người mua vẫn rất lớn. Sụ phục hồi của thị trường sẽ diễn biến khác nhau ở từng phân khúc, có những phân khúc sẽ phục hồi ở mức cũ nhưng cũng có những phân khúc sẽ tăng trưởng cao hơn.
"Có một điều tôi tin chắc rằng, số lượng người quan tâm đến thị trường bất động sản rất là nhiều. Đặc biệt, đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp tháng nào họ cũng phải đi thăm quan dự án, họ đi khắp nơi để tìm hiểu thị trường. Sau 2 năm cầm chân, nhà đầu tư đang rất nóng lòng tham gia thị trường", bà Dung khẳng định.
Theo bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land, sau khi nới giãn cách, nhu cầu của nhà đầu tư sau một thời gian bị nén lại do giãn cách sẽ gia tăng là tất yếu. Có thể chia hành vi mua BĐS của khách hàng theo 3 nhóm chính:
Tìm kiếm cơ hội: những khách có nhu cầu mua ở, thay đổi chỗ ở sẽ tìm kiếm những sản đáp ứng được tiêu chí an toàn về không gian sống, môi trường sống. Hành vi mua nhà để ở sẽ có sự dịch chuyển về các khu vực có mật độ dân cư thấp, hạ tầng đồng bộ, quy hoạch chỉnh chu, không gian sống sinh thái và đầy đủ tiện ích. Các NĐT có dòng tiền sẽ vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào BĐS nhưng sẽ có sự chọn lọc kỹ càng và kỳ vọng dài hạn hơn. Các sản phẩm do các chủ đầu tư có thương hiệu, có uy tín và năng lực cam kết dự án sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Nhóm chờ đợi cơ hội: Đây là nhóm NĐT thận trọng. Họ có khả năng tài chính nhưng tâm lý có thể chưa sẵn sàng và chờ đợi động thái diễn biến của thị trường. Nếu thị trường kích hoạt tốt họ sẽ hành động nhanh. Còn nếu thị trường còn ngập ngừng họ sẽ chờ đợi cơ hội có thể sau một vài tháng mới ra quyết định.
Cuối cùng là nhóm tổn thương: Nhóm các NĐT họ có nhu cầu, có quan tâm đến BĐS nhưng bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên họ cần thời gian để phục hồi và sắp xếp dòng tiền.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho hay, thị trường BĐS còn nhiều tiềm năng để phát triển, có đến 80% NĐT vẫn âm thầm tìm mua BĐS. Sau nhiều tháng giam cầm, nhà đầu tư đi quan sát, tìm hiểu thị trường và quyết định BĐS phù hợp.
Theo các chuyên gia, cái hay của người có tiền lúc này là sẽ có nhiều lựa chọn hơn, bớt cạnh tranh và có thể mua về những bất động sản yêu thích mà trước đó chủ nhân không dễ bán ra. Trong đó, có những nhóm NĐT "sốt sắng" để tìm mua BĐS phù hợp; tìm cơ hội đầu tư ở các thị trường BĐS tiềm năng.