Như VnEconomy đưa tin, ngày 8/7 vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai lập quy hoạch đảo Phú Quốc theo hướng tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho đến khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Việc tạm dừng này nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển đồng thời sẽ gỡ vướng mắc trong quá trình thu hút, kêu gọi và triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại Phú Quốc.
Giới chuyên gia bất động sản đánh giá, vấn đề xây dựng Phú Quốc lên đặc khu là sự mong mỏi của cả người dân Phú Quốc, chính quyền địa phương và các nhà đầu tư bất động sản - du lịch. Trong giai đoạn cuối năm 2017 - 2018, nhiều cơn sốt đất tại Phú Quốc liên tục diễn ra.
Do đó, tin đề xuất tạm dừng quy hoạch này sẽ khiến thị trường bất động sản Phú Quốc nguội lạnh, thậm chí là đóng băng, ảnh hưởng không ít đến nhà đầu tư lớn và nhỏ lẻ đã rót tiền vào thị trường bất động sản khu vực này.
Tuy nhiên, quan sát cho thấy, trái ngược với nhận định này, hiện nhiều nhà đầu tư lớn vẫn mong muốn đổ tiền vào đây.
Cụ thể, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đã có 18 nhà đầu tư với 20 dự án có tổng số vốn 43.385 tỷ đồng vừa được UBND tỉnh này trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đáng lưu ý, một nửa trong số đó là đầu tư vào Phú Quốc. Cụ thể, theo thống kê, trong số các dự án đầu tư vào Phú Quốc có Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc với 2 dự án Khu đô thị sinh thái An Thới, Hồ chứa nước Suối Lớn và nhà máy xử lý nước (Phú Quốc), tổng vốn đầu tư 5.100 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Trường Thịnh Phát với Tổ hợp thương mại, nhà ở biệt thự capital complex (Phú Quốc), vốn đầu tư 4.940 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Thành phố - Đảo Phú Quốc với Khu du lịch sinh thái và khu dân cư Rạch Tràm (Phú Quốc), vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn tư vấn đầu tư và xây dựng Kiên Giang với dự án Khu phức hợp thương mại, căn hộ cao cấp Resident Hill Phú Quốc, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có khu đô thị cao cấp Đại Thành (Phú Quốc), vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Đại Thành; dự án Khu đô thị cao cấp Dương Đông - Phú Quốc, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Điện lực Hà Nội.
Khu dân cư xã Cửa Cạn Suncity Phú Quốc, vốn đầu tư 900 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Toan Vân.
Khu nhà ở cao cấp và thương mại dịch vụ Hasco (Phú Quốc), vốn đầu tư 900 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hasco; Khu phố Palm Garden Phú Quốc, vốn đầu tư 634 tỷ đồng của Công ty TNHH BIM Kiên Giang.
Số vốn đầu tư của các dự án trên khoảng 23.474 tỷ đồng, chiếm 54,1% tống số vốn mà tỉnh Kiên Giang thu hút được từ hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 vừa qua.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với đề xuất tạm dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu của tỉnh Kiên Giang sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và nó sẽ thiết lập lại mặt bằng giá để chấn chỉnh tình hình đầu tư trên địa bàn. "Đây cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng đấu tranh với các hoạt động đầu cơ", ông Châu nói.
Trong khi đó theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự trầm lắng của thị trường bất động sản Phú Quốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Còn về dài hạn thì tiềm năng vẫn lớn do khả năng khai thác dịch vụ cao, hòn đảo này cũng quá nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu…
Tuy nhiên theo ông Đính, việc phát triển Phú Quốc về dài hạn phụ thuộc vào chất lượng quy hoạch rất nhiều. Do vậy nếu kiến nghị của Kiên Giang được chấp thuận, sau đó tỉnh được lập quy hoạch thì việc thẩm định, thẩm tra, phê duyệt của các cấp có thẩm quyền cũng cần được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo sự phát triển chiến lược.
Ông Đặng Đức Giới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đặc khu cho biết, hiện nay, số lượng văn phòng môi giới nhà đất tại Phú Quốc đã đóng cửa, rút lui đến 70 – 80% so với thời kì sốt đất hồi cuối 2017 – đầu 2018. Số còn lại chỉ đang hoạt động cầm chừng. Lượng giao dịch bất động sản cũng giảm tỉ lệ thuận với số lượng văn phòng môi giới đóng cửa nói trên, thậm chí còn giảm mạnh hơn.
Giá đất Phú Quốc một số nơi đã giảm, nhưng nhiều nơi vẫn không hề giảm với những thế mạnh về cơ sở hạ tầng đã có.
Tại Phú Quốc vẫn có hoạt động mua bán những lô nền nhỏ lẻ là đất thổ cư đầy đủ giấy tờ. Nhiều giao dịch có thể thực hiện khi chủ đầu tư bán cắt lỗ.