Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân cho rằng, sau giãn cách, lượng người mua đã về vùng ven Sài Gòn để tìm hiểu đất đai tăng nhiệt. Có thể họ là những NĐT có vốn hoặc vốn ít, có khi có tiền tỉ nhưng có người có vài trăm triệu đồng. Với những NĐT đi xa tìm BĐS, tâm lý của họ là đi "xem cho đã" trước, còn việc quyết định phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người.
Tuy vậy, có một thực tế theo ông Chánh, với số tiền trên dưới 2 tỉ đồng, người mua rất khó tìm kiếm BĐS ven trung tâm Tp.HCM. Việc di chuyển về các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, BR-VT hay Long An đang trở thành một xu hướng dễ nhìn thấy. Cùng một số tiền, thậm chí ít hơn người mua có được chất lượng sống tốt hơn, và chờ cơ hội tăng giá trong trung, dài hạn.
Ghi nhận cho thấy, tâm lý của cả người bán và người mua BĐS sau giãn cách đã có sự thay đổi nhất định. Về phía người bán, có phần thoải mái hơn. Nhiều chủ nhà sẵn sàng ra lộc 50 - 100 triệu đồng, để có thể bán nhanh được. Tuy nhiên, về phía người mua, nếu là hàng "ngộp" mua khá nhanh nhưng nếu sản phẩm chào theo giá thị trường thì còn nhiều cân nhắc.
Lượng NĐT đi xem đất theo các môi giới khu vực đã tăng nhiệt rõ nét thời gian sau giãn cách nhưng việc xuống tiền "nhanh" thì tùy sản phẩm, vị trí. Nhiều NĐT đi xem "năm lần bảy lượt" nhưng vẫn chưa quyết định mua. Bên cạnh tâm lý nghe ngóng tình hình dịch bệnh, theo các môi giới họ còn nghe ngóng xem mức giá có giảm hơn vào cuối năm, hoặc tìm kiếm/chờ đợi các sản phẩm mà NĐT cá nhân bị "ngộp", sẽ có xu hướng giảm giá.
Tuy nhiên, theo các môi giới, việc chờ giảm giá sẽ rất khó ở thời điểm này, bởi có nhiều chủ đất dù kẹt tiền muốn bán ra nhưng họ cũng không bán dưới giá thị trường. Có chăng mức bót chỉ dao động trong khoảng trên dưới 50 triệu đồng/lô. "Chính tâm lý chờ đợi giảm giá thêm đã khiến việc chốt giao dịch chưa diễn ra mạnh mẽ ở thời điểm này", một môi giới khu vực Đồng Nai cho biết.
Chia sẻ trước đó, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho hay, nhu cầu tìm bất động sản xanh tránh dịch rộ lên sau giãn cách.
Nhiều dự án nhà liền thổ giáp ranh Tp.HCM ở các tỉnh vệ tinh như Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, cách Sài Gòn 100-250 km, ước tính 2-3,5 giờ đồng hồ di chuyển bằng ôtô đang bắt đầu đón khách hàng quan tâm tham quan dự án kể từ trung tuần tháng 10. Các đợt mở bán cuối tháng 10 và đầu tháng 11 cũng bắt đầu ghi nhận một số giao dịch thành công khá tích cực so với giai đoạn đóng băng vì phong tỏa. Khách thăm dự án đi bằng ôtô, cho thấy đối tượng khách hàng ở tầng lớp trung lưu.
Theo vị chuyên gia này, nhà đất trong ngưỡng 2-3 tỷ đồng thanh toán theo tiến độ dài kèm ưu đãi lãi suất vay và đất nền một tỷ đồng sẽ lọt vào tầm ngắm của các nhóm nhà đầu tư mới nổi này. Tuy nhiên, ông Quang cũng cảnh báo đầu tư bất động sản vùng ven không phải sân chơi dễ thắng, vì tuy chỉ cần dòng vốn quy mô trung bình hoặc nhỏ nhưng bắt buộc phải chôn vốn dài hạn. Nhà đầu tư nếu thật sự có nhu cầu sử dụng và tính toán được dòng tiền dài hạn 3-5 năm quay đầu bán chốt lời mới nên đặt cược tham gia. Đầu tư bất động sản vùng ven không phù hợp cho dòng vốn ngắn hạn 3-6 tháng hoặc một năm và không còn cơ hội để lướt sóng.
Trước đó, vào thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cũng đã có dự báo, sẽ có làn sóng mạnh mẽ sau giãn cách. Nhưng, người ta thèm đi xem thôi, chứ chưa chắc đã mua ngay. Bất động sản khó ở chỗ, giữa ý thích và hiện thực khá xa nhau. Họ có thể hỏi bây giờ nhưng quyết định mua hay không thì có thể đi sau hoặc không mua. "Vì bất động sản có giá trị lớn, không phải muốn mua là mua được, nhưng tâm lý thì ai cũng thích sở hữu bất động sản. Do đó, sau dịch sẽ có làn sóng đi xem bất động sản nhiều hơn đi mua bất động sản", ông Quang từng khẳng định.
"Khoảng 70% nhu cầu của nhà đầu tư hướng đến phân khúc đất nền. Đây là phân khúc dễ sốt, và tăng giá mạnh nhất. Hiện dịch kéo dài nên thị trường BĐS cũng trầm lắng lại, định vị lại sản phẩm. Tuy vậy, cơ hội cho thị trường đất nền vùng ven vẫn còn lớn", ông Quang khẳng định.
Thực tế cho thấy, làn sóng đi xem đất diễn ra mạnh mẽ nhưng giao dịch chưa đột phá ngay cũng là điều dễ hiểu. Trải qua khoảng thời gian khá dài của Covid-19, tâm lý của NĐT không thể nói là không ảnh hưởng, thậm chí có thể nói là bị "xáo trộn" trong thời gian qua. Khi nới giãn cách, họ vào thị trường nhưng vẫn mang theo tâm lý e dè, vừa xem đất, vừa nghe ngóng tình hình. Dự báo của các chuyên gia, có thể vào đợt cuối năm hoặc quý 2 của năm 2022, thị trường BĐS sẽ phục hồi, việc mua bán sẽ diễn ra nhộn nhịp hơn, việc quyết định với BĐS cũng dễ dàng hơn với người mua.