Theo Bloomberg, tình trạng kinh tế đình trệ khiến hàng triệu người hủy bỏ các dịch vụ của nhà mạng lớn nhất Trung Quốc. Cụ thể, tổng số thuê bao của China Mobile Ltd. đã giảm tới 3.98 triệu trong 3 tháng kết thúc vào tháng 3. Thu nhập ròng của công ty cũng giảm 0,8% xuống còn 23,5 tỷ tệ, tương đương 3,3 tỷ USD.
Nhà mạng này hiện có 940 triệu thuê bao. Tuy nhiên, họ có thể sẽ trở thành cái tên sáng giá trong những tháng tới khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường. Việc mở rộng độ phủ của 5G dự kiến cũng được thực hiện trong năm nay, điều có thể thu hút các thuê bao sử dụng các gói dữ liệu có đường truyền lớn với chi phí cao hơn.
Mặt dù công ty đang chi tiêu mạnh tay cho việc triển khai mạng 5G nhưng họ vẫn duy trì mức cổ tức và tiền mặt cũng như 317 tỷ tệ gửi ngân hàng vào cuối năm ngoái.
Thu hút người dùng sử dụng 5G dường như đã là chìa khóa để tăng trưởng bởi nhóm thuê bao này có xu hướng chi tiêu nhiều hơn mỗi tháng. Công ty này đã có 31,7 triệu thuê bao 5G tính đến cuối tháng 3 năm nay.
Mặc dù tổng số thuê bao giảm trong quý đầu tiên nhưng nhà mạng này vẫn được hưởng lợi từ số tiền trung bình mà mỗi thuê bao chi tiêu. Thậm chí, nó còn tăng nhẹ so với quý trước đó, khi dịch bệnh chưa thực sự gây ra những ảnh hưởng nặng nề. Mạng 5G giúp người dùng dễ dàng chơi game hay truy cập các dịch vụ video với chất lượng cao hơn.
Tính tới thời điểm hiện tại, China Mobile vẫn chịu những thiệt hại từ dịch bệnh. Trong năm nay, cổ phiếu công ty đã giảm 6,9%. Tuy nhiên, nếu so với mức giảm 14% của Hang Seng Index, đây vẫn là cổ phiếu hứng chịu mức giảm không quá tệ.
Trong khi đó, doanh thu trung bình trên mỗi người dùng hàng tháng đã tăng lên 46,9 tệ trong quý đầu tiên năm 2020 so với mức 46 tệ trong quý trước đó. Lưu lượng dữ liệu di động mà người dùng sử dụng tăng lên 19,7 tỷ GB so với 17,5 tỷ GB của một quý trước đó. Dẫu vậy, doanh thu hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 181,3 tỷ tệ trong quý đầu năm 2020.
Dù Trung Quốc là nơi bùng dịch Covid-19 và từng nhiều tháng là ổ dịch lớn nhất thế giới nhưng việc kiểm soát số ca lây nhiễm đang góp phần giúp nền kinh tế nước này phục hồi trở lại. Tâm dịch Vũ Hán, nơi chịu tổn thất nặng nề nhất của Covid-19, cũng đang trên đường trở lại bình thường sau hơn 2 tháng phong tỏa.
Tuy nhiên, việc dịch bệnh bùng lên trên toàn thế giới cũng đặt ra một bài toán khó với các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn được coi là công xưởng của thế giới. Nhu cầu sụt giảm khi các đối tác đang phải đóng cửa kinh tế để chống dịch khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Trung Quốc cần nhiều thời gian hơn nữa để phục hồi.