Phóng viên VnEconomy vừa trao đổi với lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn về việc “nhà mạng giảm phí” theo công văn của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam và Cục Viễn Thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cách đây hơn 1 năm. Cả 4 ngân hàng cho biết, họ chưa từng được nhà mạng nào giảm phí.
PHÍ TĂNG CAO BẤT THƯỜNG
Một Phó Tổng giám đốc của VietinBank cho biết mỗi năm ngân hàng này chi trả cho các nhà mạng phí SMS khoảng 200 tỷ đồng. Con số này ở BIDV là 400 tỷ đồng, Vietcombank ước 400 tỷ, còn Agribank trên 300 tỷ đồng.
Một chuyên viên phụ trách mảng dịch vụ ngân hàng điện tử Agribank cho biết, từ năm ngoái, cả Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Cục Viễn thông đã gửi công văn đến các nhà mạng đề nghị giảm phí cho ngân hàng nhưng chẳng đơn vị nào thực hiện.
Tại Vietibank, mỗi năm ngân hàng này chi trả cho các nhà mạng phí SMS khoảng 200 tỷ đồng. Con số này ở BIDV là 400 tỷ đồng, Vietcombank ước 400 tỷ, còn Agribank trên 300 tỷ đồng.
Đại diện của Agribank cũng cho biết thêm ở Agribank có 2 kênh chuyển tiền nội bộ và liên ngân hàng. Tuy nhiên, kênh chuyển tiền liên ngân hàng có mức phí rất đắt đỏ, bình quân mỗi giao dịch 2.000 đồng. Năm 2020, ngân hàng chi 985 tỷ đồng để trả cho loại phí này, trong đó có phí SMS.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, tính riêng giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng lên tới 27,8 triệu lệnh, đem nhân với giá 2 nghìn đồng với mỗi lệnh, ngân hàng phải trả một số tiền không nhỏ.
Hiện tại, phí dịch vụ viễn thông SMS có 2 loại, một loại phí chủ động do khách hàng nhắn tới ngân hàng, trước đây nhà mạng thu 300 – 500 đồng/tin thì nay nâng lên 1.500 đồng/tin.
Một loại nữa, phí ngân hàng thông báo biến động số dư do Agribank trả. Phí này trước đây nhà mạng thu 300 đồng, sau nâng lên 500 đồng và hiện tại, nếu nhiều tin giảm xuống 720 đồng/tin; còn nếu ít tin thì cũng 800 đồng/tin, chưa tính VAT.
“Mức phí này gây ra rất nhiều gánh nặng chi phí tài chính cho cả khách hàng và Agribank, trong khi chúng tôi đang giảm phí hỗ trợ khách hàng do đại dịch Covid-19”, chuyên viên nói trên cho biết.
Theo ông này, đặc thù tại Agribank là có tới 70% khách hàng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, sử dụng dịch vụ mobile banking. Con số trên liên quan tới nhiều nguyên nhân như: khu vực dân cư chưa phủ sóng 3G, 4G, chưa cung cấp hạ tầng wife, hoặc người già, thu nhập thấp, người ít tiếp xúc công nghệ.
TÚNG THÌ PHẢI TÍNH
Quá xót của khi phải chi một lượng lớn tiền trả cho dịch vụ SMS của nhà mạng, một số ngân hàng bắt đầu xoay sang sử dụng nền tảng OTT.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết gần đây, ngân hàng buộc phải hướng khách hàng dùng tin nhắn thông báo biến động số dư trên nền tảng OTT mobile banking của ngân hàng.
Ngân hàng buộc phải hướng khách hàng dùng tin nhắn thông báo biến động số dư trên nền tảng OTT mobile banking . Tiện ích này miễn phí cho khách hàng nhưng nhưng phải kết nối 3G trở lên thay vì SMS. Hiện tại, có khoảng 30% - 40% khách hàng
Tiện ích này miễn phí cho khách hàng nhưng nhưng phải kết nối 3G trở lên thay vì SMS. Hiện tại, có khoảng 30% - 40% khách hàng VietinBank đã dùng OTT nhưng một phần rất lớn vẫn chưa quen.
Không chỉ mỗi VietinBank mà nhiều ngân hàng khác cũng triển khai theo hướng này để giảm áp lực chi phí tin nhắn SMS.
Khá nhanh chân, từ đầu năm 2020, Techcombank chuyển sang hình thức thông báo biến động số dư qua ứng dụng F@st Mobile miễn phí, thay thế cho tin nhắn SMS. Sau khi thành công, ngân hàng dừng cung cấp dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS đối với khách hàng đã chuyển sang dùng F@st Mobile và khách hàng đăng ký nhận tin nhắn biến động số dư SMS kể từ 16/3/2020.
Muộn hơn, từ 12/5/2021, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) dừng hẳn dịch vụ thông báo biến động số dư qua tin nhắn với những khách hàng đã sử dụng ứng dụng MSB mBank, ngoại trừ khách hàng ưu tiên M-First.
KHỔ KHÁCH HÀNG VÙNG SÂU VÙNG XA
Nếu các ngân hàng cổ phần khác có tệp khách hàng thu nhập trung bình khá, sống ở trung tâm, công viên chức, văn phòng thì ở Agribank lại khác.
Hệ thống ngân hàng này trải dài khắp 63 tỉnh thành nhưng chủ yếu hoạt động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Khách hàng đa phần là nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lớn tuổi, người ít tiếp cận với công nghệ.
“Muốn sử dụng OTT thì phải kết nối qua 3G trở lên hay wife nhưng rất nhiều vùng nông thôn, hải đảo chưa có, khách hàng Agribank vẫn phải sử dụng nền tảng SMS”, vị chuyên viên công nghệ Agribank nói.
Phóng viên VnEconomy cũng trao đổi với ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông Ngân hàng Chính sách xã hội về vấn đề thu phí của nhà mạng.
Ông Nhân cho biết, ngân hàng cũng phải “nói khó” với các nhà mạng rằng, ở đây chỉ có 6,5 triệu khách hàng là hộ nghèo và cận nghèo, nhà nước dùng ngân sách làm vốn mồi để họ thoát nghèo. Bởi vậy, các nhà mạng Viettel, MobileFone đến Vina Phone đều không thu phí.
Dĩ nhiên, sự “tốt tâm” của Viettel cũng không hoàn toàn là "miếng phô mai miễn phí". Đổi lại, Ngân hàng Chính sách xã hội "hứa" vận động khách hàng giữ nguyên số điện thoại.
Hoá ra, trong số 6,5 triệu khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội thì có tới 4,5 triệu người dùng điện thoại Viettel. Nhóm khách hàng này thường xuyên thay đổi số sim, vứt sim, mua sim, đổi mạng để hưởng lợi mỗi khi nhà mạng có chương trình khuyến mại.
Việc "nay mua mai bỏ" dẫn đến khối lượng sim rác, sim ảo vô cùng lớn, gây tốn kém và phiền phức cho nhà mạng trong việc duy trì tài khoản.
Chưa kể, những người đăng ký sim Viettel vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng sau đó bán/nhượng sim cho người khác, hệ thống ngân hàng cứ thế tự động nhắc nợ, chủ thuê bao sau lại phải gọi điện lên ngân hàng than phiền.
Từ thực tế này, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng hỗ trợ Viettel bằng cách vận động khách hàng giữ nguyên số sim, nhà mạng cũng có lợi.
“Cách đây vài năm ngân hàng thường xuyên nhận được phản hồi bị nhắc nợ vô cớ, nhưng sau này, khi ngân hàng vận động khách hàng giữ nguyên số thì tình trạng này giảm hẳn”, ông Phan Cử Nhân nói.