Thẫn thờ ngồi nhìn ruộng mía hơn 10ha đang ở thì quá lứa thu hoạch, ông Đinh Hữu Bảy ở xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết, cuối tháng 12-2016, gia đình ông ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ mía với Công ty CP mía đường Đắk Lắk để trồng 35ha mía.
Theo hợp đồng, công ty đầu tư giống, vật tư và tiền mặt (khoảng 30 triệu đồng/ha), còn người dân bỏ công chăm sóc cho đến kỳ thu hoạch. Công ty cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm mía cho người dân với giá 800.000 đồng/tấn khi đến kỳ thu hoạch.
“Mía trồng 1 năm thì phải thu hoạch không trữ lượng đường sẽ sụt giảm, giá mua sẽ bị hạ. Vụ này gia đình tôi trồng hơn 35ha, đến nay đã thu hoạch được 15ha, còn lại hơn 10ha đã được chặt hạ nhưng không thấy xe công ty đến chở. Hơn 20 ngày qua, mía nằm phơi đầy đồng, số thì bị khô héo, số thì bị quá lứa sắp thành củi khô. Chúng tôi đã kiến nghị lên nhà máy nhưng họ bảo người dân phải tuân thủ theo lịch chặt do công ty ký duyệt thì mới cho nhập mía. Giờ diện tích mía của gia đình tôi đang bị héo, khô giảm trữ lượng đường, chắc chắn sẽ bị nhà máy hạ giá”, ông Bảy bức xúc nói.
Mía của người dân chặt bỏ đầy đồng nhưng không được nhà máy thu mua kịp thời dẫn đến bị khô héo.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Công Lý (trú tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) vụ này nhận trồng hơn 15ha mía. Đến nay, số mía đã trổ cờ, quá lứa nhưng vẫn chưa được nhà máy thu mua.
“Thời tiết thuận lợi, vụ này vườn mía gia đình tôi đạt khoảng 100 đến 120 tấn/ha. Tuy nhiên, vì đã quá lứa nên đến nay chỉ còn đạt khoảng 70 đến 80 tấn/ha. Nhà máy chậm trễ thu mua khiến gia đình tôi bị thiệt hại đủ đường. Sản lượng bị sụt giảm, từ giữa tháng 3-2018 đến nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên gia đình phải thường xuyên cắt cử người canh gác, trông coi vườn mía để tránh bị cháy”, anh Lý lo lắng cho biết.
Giữa tháng 4-2018 thời tiết ở Tây Nguyên bước vào nắng nóng cực điểm, vườn mía có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Việc chậm thu mua mía còn làm ảnh hưởng đến mùa vụ năm sau bởi gốc mía sẽ bị chết, không còn khả năng nẩy mầm nên buộc phải trồng lại từ đầu.
Ông Nguyễn Bảo Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty CP mía đường Đắk Lắk cho biết, thời gian thu hoạch cây mía bắt đầu từ tháng 11 đến đầu tháng 5 năm sau là kết thúc.
“Tuy nhiên, do đây là niên vụ ép mía đầu tiên sau khi nhà máy được di dời từ huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) về xã Ia Tmốt, huyện Ea Súp nên hoạt động chưa ổn định, dẫn đến có chậm tiến độ thu mua hơn năm trước. Theo quy hoạch của công ty, vùng nguyên liệu mía toàn huyện Ea Súp chỉ có 5.100ha nhưng đến nay, số diện tích mía người dân trồng tự phát đã vượt quá quy định. Chúng tôi vẫn giữ cam kết sẽ thu mua với giá 800.000 đồng/tấn cho nông dân mía đạt trữ lượng đường. Số mía bị thiệt hại do chậm thu mua thì công ty sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp”, ông Lộc nói.
Ông Lộc cũng mong muốn bà con trồng mía cảm thông, chia sẻ khó khăn với nhà máy, thực hiện đúng lịch chặt do nhà máy đề ra. Ông nói: “Nếu bà con ồ ạt chặt mía chở đến nhà máy thì sẽ làm khó cho cả hai bên. Nhà máy mỗi ngày chỉ ép được 2.300 tấn theo công suất thiết kế. Việc bà con tự ý chặt mía chở đến nhà máy sẽ gây quá tải, hao hụt trữ lượng đường trong mía khiến nhà máy buộc phải thu mua với giá thấp hơn. Bà con nên để mía ngoài đồng và chờ lịch chặt theo quy định sẽ ít bị thiệt thòi hơn”.
Ông Nguyễn Ngọc Phú - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp cho biết, sau khi nhận được phản ánh của bà con, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra và làm việc với Công ty CP mía đường Đắk Lắk để tìm hiểu nguyên nhân.
Ông Phú thông tin: “Theo báo cáo của công ty thì hiện toàn huyện còn gần 1.800ha mía chưa được thu mua. Sở dĩ tiến độ thu mua mía chậm so với các niên vụ trước là do công suất thiết kế của nhà máy chỉ đạt 2.300 tấn/ngày đêm. Với diện tích hơn 1.800ha thì công ty phải cần tới gần 2 tháng nữa mới thu mua hết. Trước mắt, công ty sẽ tiến hành thu mua số diện tích của bà con đã được ký kết, số tự phát sẽ mua sau”.
Cũng theo ông Phú, việc chậm thu mua mía của công ty là do vấn đề khách quan nên bà con không nên lo lắng quá. Chính quyền địa phương cũng đã làm việc với phía công ty và yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho bà con. Những trường hợp bị thiệt hại thì cần có chính sách hỗ trợ phù hợp theo quy định để tránh thiệt thòi cho người dân. Ngoài ra, huyện cũng khuyến cáo trong năm tới, nhà máy với nông dân cần có kế hoạch trồng và thu mía hợp lý hơn.