Trình bày trước Quốc hội về tiến độ nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, vào quý I/2020 Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập và nuôi cấy virus mở đường cho nghiên cứu vaccine, là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3, đến cuối tháng 8/2021 mũi tiêm thứ hai sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký vaccine nội địa.
Về chuyển giao công nghệ, hiện nay có 3 hợp đồng đã chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ và Nhật đã được ký kết, với Nga đã xong giai đoạn 1 của gia công, đóng ống đang được kiểm định chất lượng tại Nga, trong giữa tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam và chuyển sang giai đoạn chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.
Hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vaccine với công nghệ cao nhất, tiến hành thử nghiệm vào tháng 8, nhà máy sản xuất với quy mô trên 100 triệu liều đã và đang được xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022. Chiến dịch tiêm chủng đã được khởi động và hiện đang được đẩy nhanh tiến độ từ giờ đến cuối năm.
Theo thông tin tại cuộc họp trực tuyến về việc sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19 trong nước chiều 23/7, Tập đoàn Vingroup được cho biết là đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Acturus, Mỹ. Dự kiến tháng 8/2021 vắc xin có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy sản xuất dự kiến sẽ có công suất 100 – 200 triệu liều/năm.
CTCP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã ký thoả thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin. Dự kiến tháng 6/2022, công ty sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vắc xin ra thị trường.
Vabiotech và Công ty DS – Bio đã ký thoả thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc xin Sputnik – V từ bán thành phẩm. Dự kiến, đến 10/8/2021 vắc xin sẽ có kết quả kiểm định, sau đó có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8/2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.