Cụ thể, trong tháng 1/2020, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã nhiều lần gặp sự cố (ít ảnh hưởng đến vận hành của toàn bộ hệ thống) khi đang hoạt động. Cụ thể, xưởng urê phải ngừng máy 3 lần tương ứng 3,58 ngày, xưởng NH3 ngừng máy một lần tương ứng 0,4 ngày). Do các sự cố xảy ra, nhà máy Đạm Ninh Bình đã phải giảm tải xuống 75% hai lần do dừng máy xưởng urê trong khi bồn Amoniac ở mức cao và một lần do dừng máy xưởng Amoniac.
Các báo cáo cáo của Vinachem gửi Bộ Công Thương cho thấy, xưởng amoniac dừng máy một lần do Trip K441 khi van 12LV235 bị lỗi bộ định vị. Còn xưởng urê dừng máy 3 lần trong đó một lần do độ rung máy nén K101 tăng lên 73 µm và đường tuần hoàn bơm P105 rò lớn. Một lần khác do thiếu CO2 đầu vào cho máy nén K101 khi van 12LV235 bị lỗi bộ định vị và một lần do độ rung máy nén K101 tăng cao. Ngoài ra, đầu đốt than xưởng Khí hóa của nhà máy cũng phải dừng 4 lần.
Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc cũng gặp sự cố thủng màng tại khu vực lò shell và công ty đã chủ động điều chỉnh và ngừng hệ thống từ ngày 20/1. Đến ngày 26/1 (mùng 2 Tết) mới vận hành chạy lại lò khí hóa và có sản phẩm từ ngày 28/1 (mùng 4 Tết).
Theo báo cáo của các đơn vị, các sự cố không gây ảnh hưởng đến con người, công ty chủ động xử lý được sự cố với chi phí thấp. Tuy nhiên, việc ngừng máy 7 ngày đã làm giảm sản lượng sản xuất, phát sinh chi phí khởi động lại hệ thống.