Chị Hoàng Thị Phượng, cựu nhân viên kỹ thuật BISUCO, nhớ tiếc: “Một chỗ làm trong nhà máy, hồi ấy là mơ ước của bao nhiêu người”!
Giờ thì Phượng đang là một phần của đội quân hơn 300 CNLĐ bị chủ Ấn Độ phủi tay, vứt bỏ bên lề. Nợ lương, nợ BHXH hơn 19 tỉ đồng chưa biết bao giờ mới đòi lại được. Co kéo, bấu víu vào khu tập thể cũ nát của doanh nghiệp, Hoàng Thị Phượng mỗi ngày còn đau lòng chứng kiến cảnh tượng nhà máy “của mình” cứ hao mòn, mục rã dần đi giữa mưa gió thất thường, giữa những đối tác cũ nay quay quắt, nóng lòng tìm mọi cách thu hồi nợ. Đó là chưa tính những ánh mắt thèm khát từ dòng người thu gom phế liệu vãng lai.
Phượng kể, cứ dăm hôm lại sấp ngửa, nháo nhào kéo sang nhà máy tham gia chống lại hành vi xâm nhập. Một số thanh niên xăm trổ, bộ dạng nghiêm trọng lượn lờ quanh nhà máy. Lựa lời nói với họ chớ cũng chẳng dám làm căng.
Cty Đường Bình Định thành lập năm 1995 theo Quyết định số 387/QĐ-UB của UBND tỉnh Bình Định, trụ sở chính tại Km 52, quốc lộ 19, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Năm 2003, Cty chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, vốn điều lệ 34 tỉ đồng.
Năm 2006, hơn 90% cổ phần BISUCO được Tập đoàn Anagar Juna (Ấn Độ) mua lại với giá 93 tỉ. Trước thời điểm nhóm chủ người Ấn không kèn không trống rút lui, hoạt động sản xuất – kinh doanh của BISUCO liên tục có lãi, thậm chí lãi tới 200 tỉ đồng như năm 2011.
Đây là lý do khiến nhà máy không ngừng được mở rộng, nâng công suất, từ 1.000 tấn mía/ngày lên 1.500 tấn, 1.800 tấn, 2.500 tấn và cuối cùng là 5.000 tấn/ngày. Dự án mở rộng 5.000 tấn mía/ngày đang thực hiện dang dở thì chủ nhân của nó âm thầm rút lui.
Từ tháng 7.2018 đến nay, sau khi nhà máy thông báo tạm dừng hoạt động, hàng vạn m2 nhà xưởng, hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị nhanh chóng xuống cấp, có nguy cơ thành đống sắt vụn khổng lồ.
Cận cảnh "điêu tàn" bên trong nhà máy PV Báo Lao Động ghi lại trong tháng 6: