Hãng tin Bloomberg dẫn lời Tổng giám đốc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cho biết nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam đang gia tăng vận hành và dự kiến sẽ đạt công suất tối đa vào tháng tới, chậm hơn kế hoạch ban đầu 16 tháng do một số vấn đề trong quá trình xây dựng.
Chia sẻ trong buổi phỏng vấn được thực hiện tại nhà máy ở Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Shintaro Ishida cho biết theo kế hoạch nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ bắt đầu sản xuất thương mại vào 15/11 tới. Nhà máy đang trên lộ trình đạt công suất xử lý tối đa 200.000 thùng dầu thô mỗi ngày vào tháng 9, sau đó sẽ hoàn thành các cuộc kiểm nghiệm và hoàn tất các thủ tục cần thiết để chính thức đi vào hoạt động thương mại giữa tháng 11.
Kuwait Petroleum (1 tập đoàn quốc doanh của Kuwait) và tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật Bản mỗi bên sở hữu 35% cổ phần của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Theo ông Ishida, nguyên nhân chính khiến liên doanh này – được biết đến với tên gọi chính thức là Công ty TNHH Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn – chậm tiến độ hơn so với kế hoạch ban đầu là do một số vấn đề trong quá trình xây dựng mà chủ yếu là "một số lỗi kỹ thuật về hàn". Nhà máy dự kiến sẽ có thể xuất khẩu các sản phẩm nhiên liệu vào tháng 9 và tháng 10 tới, có thể là tới các thị trường ở châu Á, sau đó sẽ chuyển hướng hoàn toàn tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam.
Nhà máy lọc dầu trị giá 9 tỷ USD này sẽ cho phép Việt Nam giảm lượng xăng và dầu diesel nhập khẩu từ các nước láng giềng như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Với việc xử dụng dầu thô nhập từ Kuwait, Nghi Sơn cũng là 1 phần trong xu hướng các nước khai thác dầu ở Trung Đông đang tìm cách đầu tư vào các nhà máy lọc dầu ở châu Á để đảm bảo doanh thu ở khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này. Việt Nam cũng được đánh giá là 1 thị trường đầy tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,8% trong quý II, dự kiến sẽ tiếp tục ở trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Nghi Sơn đang nhắm tới thị trường nội địa để bán các sản phẩm xăng dầu, diesel và nhiên liệu máy bay. Cùng lúc đó, nếu như nhu cầu và tình hình thị trường ở nước ngoài đủ tốt, "chúng tôi sẽ xem xét xuất khẩu" có thể là sau tháng 10, ông Ishida cho biết. Trên nguyên tắc thì nhà máy đã được Chính phủ cấp phép xuất khẩu, mặc dù vậy, vẫn cần phải xin giấy phép cho từng đợt xuất hàng.
Nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất polypropylene và các sản phẩm hóa dầu khác từ năm 2019, và sẽ bán chúng cho các đối tác Nhật Bản và Kuwait. Nhà máy dự kiến sẽ tạm dừng để bảo dưỡng định kỳ vào tháng 4 và tháng 5 năm sau, Tổng giám đốc Ishida cho biết.