Như Lao Động đã thông tin, Nhà máy sản xuất Soda Chu Lai vừa đưa vào hoạt động đã lập tức gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không khắc phục được, nhà máy bị buộc đóng cửa từ 6.2016. Đến nay, ngoài số nợ ngân hàng gần 3.000 tỉ đồng, DN này còn nợ các khoản thuế VAT, lương công nhân, nợ tiền điện, thuê đất… trên 340 tỷ đồng. Toàn bộ thiết bị tại Soda Chu Lai đều do Tổng thầu EPC – Cty TNHH công trình Thiên Thần, Trung Quốc cung cấp theo hợp đồng trọn gói. Sau khi ngưng hoạt động vì gây ô nhiễm, các chuyên gia Trung Quốc đã rút về nước, công nghệ, kỹ thuật vận hành nhà máy... hiện chưa được bàn giao cho địa phương.
Trong khi không đòi được món nợ trên 2.011 tỷ đồng của Soda Chu Lai, Agribank đã phát đơn kiện ra tòa án tỉnh Quảng Nam, đồng thời Agribank cũng đã cử đoàn công tác sang Trung Quốc làm việc với Cty Thiên Thần Trung Quốc - nhà thầu xây dựng và cung cấp thiết bị cho nhà máy Soda Chu Lai để tìm hướng khắc phục. Đồng thời, ngân hàng này cũng đang xúc tiến hợp tác với công ty Liên Vận Cảng – chuyên sản xuất soda tại Trung Quốc để cải tạo, nâng công suất nhà máy Soda Chu Lai...
Ngày 6.6, trả lời PV báo Lao Động về khả năng dự án Nhà máy Soda Chu Lai có bị chuyển nhượng cho Trung Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn khẳng định tỉnh sẽ kiểm soát, kiên quyết không để nhà đầu tư bán dự án cho Trung Quốc dù bất kỳ hình thức nào.
Ông Toàn cho biết, hiện UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo chi tiết thực trạng của nhà máy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quảng Nam đang chờ cuộc làm việc trực tiếp, chỉ đạo cụ thể hướng xử lý từ Chính phủ. Tuy nhiên, chính quyền Quảng Nam khẳng định không vì bất cứ lợi ích kinh tế nào mà bỏ qua vấn đề môi trường. Quảng Nam vẫn giữ cam kết đồng hành với nhà đầu tư, DN để từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa nhà máy tái hoạt động sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân và trả nợ. Tuy nhiên mọi hoạt động sản xuất buộc phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.