Tay không xây nhà máy ngàn tỉ?
Nhà máy sản xuất soda Chu Lai (Cty CP Sản xuất soda Chu Lai) là một trong những dự án trọng điểm, được Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) “rải thảm đỏ”, đón chào ở thời điểm 2010. Trong khi nhu cầu nguyên liệu soda phục vụ cho sản xuất công nghiệp tại Việt Nam lên đến gần cả triệu tấn mỗi năm, lại phải hoàn toàn nhập khẩu, thì việc ra đời nhà máy đầu tiên cả nước sản xuất soda với công suất 200.000 tấn/năm được đánh giá đầy tiềm năng. Đặc biệt, đối với tỉnh nghèo, vừa chia tách như Quảng Nam lúc đó, thì việc xuất hiện của nhà máy với những hứa hẹn tháng 2.2012 hoạt động, giải quyết hơn 400 lao động địa phương, đóng ngân sách hơn 60 tỉ đồng/năm… đã làm hấp dẫn cả chính quyền lẫn các ngân hàng.
Đó cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng NNPTNTVN - Agribank đã dốc hầu bao từ 5 chi nhánh trên toàn quốc gồm Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Tuyên Quang để cho dự án này vay đến 1.600 tỉ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng VN - PVcomBank cũng góp thêm 400 tỉ cho dự án “béo bở” này.
Tháng 4.2010, Nhà máy soda Chu Lai khởi công trên diện tích 60ha tại KCN Bắc Chu Lai, với số vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD (gần 2.300 tỉ đồng). Sau không khí hồ hởi đón chào, thì dự án ngàn tỉ này rơi vào cảnh ỳ ạch xây dựng và mất đến 5 năm chậm trễ.
Mới thử nghiệm đã gây ô nhiễm nghiêm trọng
Nguyên liệu soda ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho ngành sản xuất thuỷ tinh và kính xây dựng, công nghiệp tẩy rửa, bột giấy, giấy... vốn khan hiếm trong nước. Mặt khác, nguyên liệu đầu vào là đá vôi, nước biển, được cho là sẵn có ở đất nước hơn 3.000km chiều dài bờ biển. Thế nhưng, tháng 6.2015, ngay khi NM vận hành thử, thì Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, nêu các lý do khách quan, thời tiết, khó khăn huy động vốn… để giải trình việc chậm hoạt động, đồng thời đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phê duyệt hạn ngạch nhập khẩu... muối cho NM Soda Chu Lai.
Cũng ngay khi hoạt động, NM Soda Chu Lai đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cả về tiếng ồn, bụi bẩn và nước thải. Hơn 240 hộ dân xã Tam Hiệp đã liên tục bao vây nhà máy phản ứng. Thuỷ sản nuôi tại các đầm hồ lân cận chết trắng… Chính quyền kiểm tra, Tổng cục Môi trường - Bộ TNMT vào thanh tra, kết luận hệ thống xử lý thải không đảm bảo, xử phạt đến 730 triệu đồng thời điểm cuối 2015. Tuy vậy, NM đã không thể khắc phục hoàn toàn ô nhiễm, nên chỉ tái khởi động trở lại vài tháng thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn phải ra quyết định dừng hoạt động nhà máy từ tháng 8.2016.
Ngân hàng đang nguy cơ gánh nợ xấu
Khi bị ngừng hoạt động lần đầu, hơn nửa trong số 400 công nhân đã bị mất việc. Phần lớn CN không đòi được nợ lương từ 3-4 tháng. Đến tháng 8.2016, NM Soda Chu Lai ngừng hoạt động hẳn, thì số công nhân còn trụ lại tiếp tục mất việc, nhưng số lương mà Cty còn nợ họ tăng lên 7-8 tháng, tuỳ từng người.
Chúng tôi đến NM Soda Chu Lai vào ngày 13.12.2017 chỉ chứng kiến một đống sắt im lìm, đang dấu hiệu gỉ sét. Một nhóm bảo vệ thì cho biết họ là người của các ngân hàng thuê để trông NM, giữ nguyên hiện trạng. Nhân sự duy nhất của NM bây giờ là Tổng GĐ Nguyễn Thái Dũng, ở… Hà Nội.
Lãnh đạo BQL Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, đến thời điểm này NM Soda chưa khắc phục được hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, ngừng hoạt động hoàn toàn. Tuy nhiên, việc không sản xuất là do khó khăn về tài chính, trục trặc kỹ thuật vì nhập dây chuyền thiết bị Trung Quốc.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - ông Hồng Thanh Quang - cũng khẳng định nguyên nhân ngừng hoạt động không chỉ vì ô nhiễm môi trường mà là do dây chuyền sản xuất không đảm bảo, khó khăn về tài chính, thị trường… Tuy nhiên tỉnh không nhận được báo cáo cụ thể nào.
GĐ Chi nhánh Agribank Quảng Nam - ông Hà Thạch - cho biết, Agribank VN đã thành lập tổ thu hồi nợ, thường trực tại NM. Đồng thời đang nỗ lực cùng chủ đầu tư tìm cách khắc phục, đưa nhà máy hoạt động trở lại. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, món nợ hơn 2.000 tỉ đồng của 5 cơ quan tín dụng đang có nguy cơ thành nợ xấu, khó đòi.