Chi nhánh CTCP Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang (Nhà máy Trung Nguyên Bắc Giang) - nơi đang xảy ra tranh chấp giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ - có địa chỉ tại Lô B (B2), Khu công nghiệp Quang Châu, Xã Quang Châu với số vốn đầu tư hơn 30 triệu USD, đi vào hoạt động ngày 14/04/2011.
Đây là nhà máy thứ hai được Trung Nguyên xây dựng tại Bắc Giang và cũng là nhà máy thứ 5 trong hệ thống nhà máy cà phê hiện đại nhất châu Á của Trung Nguyên, với tổng số vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Nhà máy tập trung vào công đoạn đóng gói thành phẩm nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan G7 của thị trường miền Bắc và Trung Quốc với công suất thiết kế hơn 100/tấn/ngày.
Nhà máy cà phê Trung Nguyên Bắc Giang. Ảnh: Tuyển dụng Trung Nguyên
Những lùm xùm tranh chấp quyền điều hành Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên (Bình Dương) và chi nhánh tại Bắc Giang giữa vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên đã diễn ra từ năm 2016 - khi việc ly hôn giữa bà Lê Diệp Hoàng Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ chưa được tòa xét xử.
Ngày 4/11/2016, để đảm bảo ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, Liên ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh Bắc Giang và các bên liên quan đã họp và cùng lập biên bản làm việc.
Theo đó, các bên được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tình hình sản xuất kinh doanh của Chi nhánh Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang cho đến khi có quyết định cuối cùng có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Như vậy, đến nay vẫn chưa có tòa án nào đưa ra phán quyết cuối cùng trong việc tranh chấp quyền làm chủ sở hữu của Chi nhánh Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang. Chiếu theo văn bản này, kể từ tháng 4/2016 đến thời điểm tháng 11/2021 bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn giữ vị trí Tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh và người đại diện pháp luật với mục đích sản xuất các sản phẩm hòa tan thương hiệu King Cofee.
Tuy nhiên, năm 2018, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên, thuộc quyền kiểm soát của ông Vũ, đã kiện bà Thảo về hành vi sử dụng trái phép cơ sở này, yêu cầu hoàn trả và bồi thường số tiền hơn 1.700 tỷ đồng. Mới đây, theo thông tin bà Thảo tố cáo, một nhóm khoảng 30 người đã kéo đến công ty, đập phá tài sản, đuổi công nhân ra ngoài nhằm chiếm kiềm kiểm soát công ty.
Bà Thảo nói bị "chiếm" nhà máy, phía ông Vũ khẳng định "thu hồi đúng pháp luật".
Về phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ, vị này khẳng định nhà máy Trung Nguyên tại Bắc Giang đã được thu hồi từ ngày 20/11/2021 và chính thức đi vào hoạt động sản xuất từ ngày 30/11 vừa qua. Đồng thời, hoàn toàn không có chuyện nhà máy Trung Nguyên tại Bắc Giang bị cưỡng chiếm vào ngày 20/11/2021.
"Đây là các thông tin bịa đặt, sai sự thật, mang tính chất vu khống nhằm gây cản trở, gây khó khăn cho chủ sở hữu hợp pháp và người đại diện theo pháp luật của công ty thực hiện quyền sở hữu tài sản và quyền quản lý, điều hành đối với Chi nhánh Nhà máy Trung Nguyên tại Bắc Giang của Công ty cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên", thông cáo của công ty Trung Nguyên viết.
Thực tế, theo cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thuế, người đại diện pháp luật của Chi nhánh CTCP Cà phê Trung Nguyên tại Bắc Giang là ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Giám đốc là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Ngày 30/11, chỉ 10 ngày sau khi diễn ra vụ việc cưỡng chế theo tố cáo của bà Thảo, trên website của Trung Nguyên Legend ghi nhận thông tin sản xuất của nhà máy này. Theo đó, trong năm 2022, nhà máy Trung Nguyên tại Bắc Giang sẽ tăng 25-50% sản lượng, đẩy mạnh tuyển dụng thêm nhân công, tạo công ăn việc làm cho hơn 400 người lao động địa phương.