Ngày 29/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và UBND TP. Hà Nội xem xét đề nghị của Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh (Công ty Năng Lượng Xanh) về việc thanh toán chi phí xử lý rác tháng 4/2024 để công ty này có kinh phí duy trì hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường.
Đề nghị trên của Công ty Năng Lượng Xanh được đưa ra sau khi đơn vị này nhận được thông báo, theo chỉ thị của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND TP. Đà Lạt phải tạm ngưng việc thanh toán chi phí xử lý rác tháng 4/2024 cho công ty này dù đã có biên bản nghiệm thu.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, lãnh đạo Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường cho biết, nhà máy này được Công ty Năng Lượng Xanh triển khai xây dựng từ tháng 6/2010, đến tháng 6/2015 thì đi vào hoạt động. Năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt mức hỗ trợ chi phí xử lý rác thải sinh hoạt cho công ty là 129.500 đồng/tấn rác thải.
Đến tháng 12/2020, tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt đơn giá dịch vụ xử lý chất thải rắn tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt. Theo đó, đơn giá được áp dụng từ ngày 11/1/2017 đến ngày 1/2/2018 là 336.000 đồng/tấn rác; đơn giá áp dụng từ ngày 2/2/2018 đến ngày 24/12/2020 là 456.000 đồng/tấn rác; đơn giá áp dụng từ ngày 25/12/2020 đến nay là 461.000 đồng/tấn rác.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy chỉ được được mức hỗ trợ như trên nên không đủ chi phí để chi trả khoản vay từ Quỹ Đầu tư Lâm Đồng. Vì vậy, Công ty Năng Lượng Xanh đã phải bàn giao nhà máy cho các nhà đầu tư khác đến từ Hà Nội, Hàn Quốc.
Tháng 7/2020, Công ty Năng Lượng Xanh mới tiếp tục điều hành nhà máy cho đến nay. Sau đó, Công ty Năng Lượng Xanh đã đầu tư thêm 1 dây chuyển, 1 lò đốt và nhiều thiết bị khác để đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải trên địa bàn TP. Đà Lạt. Hiện, nhà máy đang hoạt động với 3 dây chuyền tách lọc, 3 lò đốt, bình quân xử lý khoảng 350 tấn rác/ngày đêm.
Với mục tiêu ban đầu của dự án, nhà máy trên còn sản xuất phân vi sinh nhưng hiện tại không bán được, không có doanh thu. Lý do công ty đưa ra là do không có cơ quan nào chịu trách nhiệm cấp phép kinh doanh phân vi sinh sản xuất từ nguồn rác thải sinh hoạt. Tương tự, hiện sản phẩm nilon do nhà máy sản xuất cũng không bán được ra thị trường.
Chính vì vậy, với đơn giá 129.500 đồng để xử lý 1 tấn rác tại thời điểm hiện nay đã khiến Công ty Năng Lượng Xanh gặp nhiều khó khăn trong vận hành. Dẫn đến nguy cơ phải ngừng hoạt động nhà máy xử lý chất thải rắn do không đủ chi phí điều hành.
"Thực tế hiện nay, trong quá trình vận hành các quy trình xử lý rác thải tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu như xăng, dầu cho các lò đốt, các xe múc, xe lật, điện cho hệ thống dây chuyền, chi phí nhân công lao động, quản lý, tu bổ đường giao thông.
Ngoài ra để duy trì nguồn lực sản xuất tại nhà máy vì tính đặc thù nên rất khó tìm nhân công, công ty còn có những khoản hỗ trợ, chăm lo, nâng cao đời sống cho công nhân lao động mà 95% là người dân tộc thiểu số.
Chi phí thực tế để xử lý 1 tấn rác ở thời điểm hiện tại là 821.040 đồng. Vì vậy, nếu công ty chỉ được tạm ứng với mức 129.500 đồng/tấn rác thì khoản thiếu hụt còn lại, công ty sẽ lấy đâu để duy trì hoạt động?", Công ty Năng Lượng Xanh thông tin.