Không ít người hiện vẫn đang chật vật về nhà ở, thế nhưng tại các dự án này, chủ đầu tư lại như “ngồi trên đống lửa” khi nhà không có khách thuê. Chủ đầu tư liên tục thông báo cho thuê nhưng nhà vẫn ế.
15 lần rao vẫn… ế
Một trong những dự án điển hình cho việc chủ đầu tư liên tục thông báo bán và cho thuê nhà ở xã hội là tại Dự án Khu nhà ở xã hội ở huyện Quốc Oai. Từ giữa tháng 10-2018, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo nhận hồ sơ mua nhà và cho thuê nhà tại dự án này.
Dự án có tổng số 432 căn hộ, trong đó có 346 căn hộ nhà ở xã hội để bán, 86 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê. Tuy nhiên, sau 15 lần mở bán, chủ đầu tư vẫn chưa bán hết số căn hộ để bán, còn số căn hộ cho thuê thì vẫn chưa có khách nào mặc dù giá cho thuê được cho là khá rẻ 48.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).
Cũng trong tình cảnh tương tự, từ tháng 8-2018, Sở Xây dựng Hà Nội cũng thông báo tiếp nhận hồ sơ bán và cho thuê nhà ở xã hội tại Khu tái định cư Đông Hội (xã Đông Hội, Đông Anh) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư. Dự án này có 314 căn hộ để bán và 99 căn hộ cho thuê. Thế nhưng, đến nay sau 4 lần mở bán và cho thuê, số lượng căn hộ cho thuê vẫn ế.
Dự án NOXH Phú Lãm (Hà Đông) cũng diễn ra tình trạng tương tự khi có tới 384 căn hộ ế ẩm. Mặc dù chủ đầu tư đã thông báo đến lần thứ 4 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một khách nào đăng ký thuê. Thậm chí, tại tổ hợp NOXH và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội), chủ đầu tư thông báo cho thuê đến lần thứ 8 nhưng 321 căn hộ vẫn còn nguyên.
Đây chỉ là 3 trong số nhiều dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội lâm vào cảnh phải mở bán nhiều lần vẫn chưa hết trong thời gian qua. Đây là một nghịch lý bởi thực tế hiện nay, ở Hà Nội vẫn còn hàng trăm ngàn người có nhu cầu mua nhà.
Theo đại diện một doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, thì chính sách cho cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn.
Đối với các chủ đầu tư trong trường hợp cho thuê khó khăn thì cần phải được điều chỉnh để bán thu hồi vốn, đối tượng mua nhà cần nên mở rộng hơn nữa. Nguyên nhân là những căn hộ thuộc diện cho thuê hiện chủ đầu tư phải cho thuê 5 năm mới được bán, khách không thuê thì doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng khó khăn.
Nhu cầu rất lớn nhưng các dự án nhà ở xã hội cho thuê vẫn không tìm được khách. |
Gặp khó vì xa trung tâm
Một lý do quan trọng khiến các dự án này gặp khó được cho là các dự án đều xa trung tâm, nơi hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Đơn cử như dự án nhà ở xã hội tại huyện Quốc Oai, lý do kén khách với dự án này chính vì vị trí quá xa trung tâm. Những người đang làm việc tại nội thành dù chưa có nhà nhưng cũng không thể mua nhà về đây để ở được vì phải di chuyển quá xa.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, các dự án nhà ở xã hội không thể phát triển trong khu vực trung tâm được vì giá đất và tiền sử dụng đất quá cao. Chính vì thế, nhà ở xã hội bắt buộc phải phát triển ở các khu vực xa.
Trong khi đó, các khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, thiếu và yếu về chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ. Còn những nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phát sinh nhiều lao động làm việc lại là những nơi có rất ít dự án nhà giá rẻ, bình dân.
“Khi mua nhà tại một dự án, người dân không chỉ cần một nơi để ở mà đó còn là nơi phải đáp ứng những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông. Vì thế, nếu mua dự án xa trung tâm thì người dân lại mất thêm thời gian di chuyển vào nội đô làm việc… rất bất tiện”, ông Đính phân tích.
Cũng cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cái người dân cần là nơi ở chứ không phải chỉ là nhà ở. Nơi ở phải có hạ tầng giao thông, điện nước, trường học, những cái đó không tốt thì cũng không ai ở, thứ hai là môi trường xung quanh phải đáp ứng nhu cầu làm việc của con người.
“Xây dựng nhà ở xã hội phải có sự đánh giá cụ thể nhu cầu ở khu vực đó, bởi nhu cầu ở khu vực Long Biên, Hoàn Kiếm mà lại làm tận khu vực Hoài Đức thì làm sao người ta ra đó mà mua, trừ một số ít trường hợp tại chỗ. Ở Hoài Đức mà con cái vẫn phải học trong nội thành thì quá khó”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, dù đã có quy định các dự án phát triển nhà ở thương mại rộng hơn 10ha phải dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, nhưng do cơ quan chức năng quản lý chưa nghiêm nên chủ đầu tư thường tìm mọi cách trì hoãn thực hiện. Đây chính là một trong những nguyên nhân tạo ra các nghịch lý cho nhà ở xã hội hiện nay. Chỗ cần thì không có, chỗ không cần thì lại xây.