Hiện nay, ở một số thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, nhu cầu mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội ngày càng tăng cao, khiến phân khúc này trở nên khan hiếm trên thị trường. Tuy nhiên, trong khi nhiều dự án nhà ở xã hội ven đô "cháy hàng", thì các dự án xa trung tâm lại ế ẩm dù giá chào bán khá rẻ.
Nhận định về nguyên nhân một số dự án nhà ở xã hội ế ẩm, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhận định: Thủ tục pháp lý chỉ là một phần, nguyên nhân chính dẫn đến việc nhà ở xã hội bán đi bán lại nhiều lần là do lựa chọn vị trí xây dựng chưa phù hợp với đối tượng được sử dụng.
Các khu công nghiệp cần nhà ở xã hội thì chưa đáp ứng. Một số khu xây dựng xa nơi làm việc, xa trung tâm thì không có người đến ở; Quy mô, cơ cấu đối tượng và điều kiện ở tối thiểu chưa được nghiên cứu kỹ; Chưa quan tâm đến đối tượng có nhu cầu thuê.
Do vậy, theo ông Nghiêm, cần quy hoạch khu vực xây dựng nhà ở xã hội rõ ràng thay vì thực hiện theo đề xuất của các nhà đầu tư. Đảm bảo quy mô, cơ cấu đối tượng.
"Có nhiều đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội: Công nhân, người lao động thu nhập thấp, sinh viên thuê, cán bộ công nhân viên, mỗi khu nhà ở xã hội phải có quy mô, cơ cấu hợp lý giữa các đối tượng để thu hút. Nhà thu nhập thấp nhưng phải đảm bảo điều kiện sống tối thiểu về diện tích sinh hoạt, phòng công năng...", ông Nghiêm nói.
Tiếp đó, xây dựng cơ chế quản lý, vận hành khai thác nhà ở xã hội linh hoạt. Đảm bảo hạ tầng công cộng, nhà trẻ, đáp ứng nhu cầu người mua nhà. Trú trọng hình thức cho thuê nhà ở xã hội. Bởi, nhà ở cho thuê chưa được chủ đầu tư hưởng ứng vì cho thuê rất lâu thu được lợi nhuận. Do vậy, mô hình này cần khuyến khích cụ thể.
Cuối cùng là phải công khai công bố danh sách những người được hưởng quyền lợi nhà ở xã hội. "Hiện nay nhiều người không thuộc đối tượng được mua thì lại mua được, trong khi đó nhiều người đủ điều kiện mua lại không biết mua ở đâu. Do vậy cần công khai đối tượng, công khai xét duyệt hồ sơ", ông Nghiêm cho hay.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phân tích thêm, rất khó để phát triển các khu nhà ở xã hội gần trong nội đô vì giá xây dựng và đền bù rất lớn.
Trong khi đó Chính phủ khống chế giá bán, "nhà cao thì khoảng 15 triệu/m2, có chỗ đặc thù lên tới 16 - 17triệu/m2". Giá đó mà phải trả đền bù cao thì không phù hợp. Do vậy phải đẩy đến những vùng xa, vùng hẻo, giá đất chưa cao mới có khả năng phù hợp với việc khống chế giá".
Thực tế, nhà ở xã hội xa trung tâm, không có hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng dịch vụ, cơ sở phát triển kinh tế, không có việc làm. Người lao động nghèo, khó khăn, không có ô tô riêng, phải tìm chỗ gần nơi làm việc để tiện di chuyển bằng phương tiện công cộng, xe máy... Ở quá xa sẽ không đáp ứng được nhu cầu làm việc, đi lại, đưa đón con cái.
Ngoài ra, theo ông Đính, để phát triển nhà ở xã hội phải gắn liền với việc kéo dãn khu vực kinh tế ra ngoài ven đô, khu đô thị vệ tinh. Tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, phù hợp với nhu cầu nhà ở từng khu vực, giảm áp lực hạ tầng nội đô.
"Trước mắt, khuyến khích dự án thương mại có trách nhiệm, nghĩa vụ trích một phần trong số đó ra để cơ cấu giá phù hợp, bổ sung quỹ nhà ở xã hội mà xã hội đang cần", ông Đính nhấn mạnh.
Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 được Chính phủ ban hành năm 2011, đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị.
Đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.
Nhưng theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1/2020 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500 m2; Đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn, tổng diện tích khoảng 8.982.000 m2.