Nhà mặt phố là kênh đầu tư "hái" ra tiền cho các chủ nhà nhưng ở hiện tại, hàng loạt nhà mặt tiền có trị giá hàng chục tỷ đồng lại bỏ không, dù nằm ngay các tuyến đường sầm uất của Sài Gòn. Đây là điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay ở thị trường nhà phố cho thuê, dù phần lớn các chủ nhà đều giảm giá so với trước đây nhưng vẫn không có khách thuê.
Trên các con đường ở trung tâm TPHCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi... nhan nhản nhà treo bảng cho thuê.
Phần lớn các căn nhà này treo bảng cho thuê từ sau Tết đến nay nhưng vẫn để không.
Ngay cả con đường thời trang sầm uất nhất Sài Gòn là đường Nguyễn Trãi vẫn có nhiều mặt bằng trống.
Rất nhiều mặt bằng cho thuê trên đường Nguyễn Trãi. Đây là điều xưa nay hiếm.
Tương tự, đường Võ Văn Tần quận 3 cũng có hàng loạt mặt bằng tiền tỷ trưng bảng cho thuê nhà.
Phần lớn các chủ nhà đều giảm giá cho thuê so với trước đây nhưng vẫn không có khách thuê.
Giá cho thuê mặt bằng cao, cộng với tình hình buôn bán ế ẩm do ảnh hưởng dịch bệnh nhiều người phải nhờ đến các công ty môi giới nhà đất để hỗ trợ tìm chủ mới.
Trước khi có dịch COVID-19, các con đường kinh doanh mặt hàng thời trang như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, Lê Văn Sỹ, thuộc quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh rất nhộn nhịp với hàng trăm shop thời trang, giày dép, mỹ phẩm. Tuy nhiên, tình cảnh hiện tại đang ngược lại.
Nguyên nhân do hiện nay không phải dịp mua sắm, cộng thêm tình hình kinh tế khó khăn vì COVID-19 nên nhiều người có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Trước đây, những con đường này có giá thuê mặt bằng từ vài ngàn đến hàng chục ngàn USD/tháng.
CBRE Việt Nam cho biết, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng đưa ra mức hỗ trợ lên đến 50-100% tiền mặt bằng cho khách thuê.
Với mặt bằng nhà phố, mức giảm còn tùy thuộc khả năng của chủ nhà và ghi nhận thường rơi vào 20-30%. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã linh hoạt hơn trong điều khoản đặt cọc, thanh toán và tích cực hỗ trợ khách thuê dưới nhiều hình thức.
Làn sóng trả mặt bằng kinh doanh nhà phố còn phổ biến hơn, chủ yếu từ những đơn vị kinh doanh nhà phố nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn.
Trả mặt bằng và sang nhượng là cách để duy trì sự "tồn tại" của doanh nghiệp nói chung và 90% diễn ra ở các nhà hàng, quán ăn uống và beerclub...
Với những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi, việc đóng cửa một số cửa hàng nhà phố, đồng thời phối hợp với chính sách tái cấu trúc hoặc cắt giảm lương cho nhân viên cũng là một giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định lại ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.
Những con đường sôi động ở khu Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM còn được gọi là phố Hàn Quốc xuất hiện tình trạng trả mặt bằng hàng loạt do hoạt động kinh doanh của khách thuê bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo CBRE Việt Nam, hiện tại hầu hết các trung tâm thương mại bắt đầu hoạt động trở lại nhưng với nhiều diện tích trống hơn do tâm lý thuê yếu vẫn tiếp tục, đặc biệt ở các TTTM tại các quận rìa trung tâm.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam nhận xét, các khu vực bán lẻ vốn phụ thuộc nhiều về khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài và dân văn phòng, có mức độ hồi phục chậm hơn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và ảnh hưởng kinh tế nói chung lên mức thu nhập của người dân. Ước tính đến hết năm 2020, tâm lý người tiêu dùng vẫn sẽ dè dặt chi tiêu và ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu cũng như các sản phẩm về sức khỏe...
Tình hình trả mặt bằng tại các khối đế bán lẻ của chung cư diễn ra nhiều hơn so với trung tâm thương mại, đặc biệt là các nhóm ngành hàng về ăn uống và thời trang trong nước. Các nhóm khác như siêu thị, sức khỏe, cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động bình thường. Tỷ lệ trống dự kiến sẽ có cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm 2020 trong khi giá chào thuê sẽ giữ ở mức hiện tại, đi kèm với các chính sách hỗ trợ giá thuê ngắn hạn đến từ chủ đầu tư.