Jeremy Grantham - đồng sáng lập và chiến lược gia đầu tư của Grantham, Mayo, & van Otterloo (GMO), cho biết trong một báo cáo có tên "Let the Wild Rumpus Begin" rằng thị trường chứng khoán đang ở giữa một "siêu bong bóng" mà không có kết thục tốt đẹp.
Grantham đã quản lý các khoản đầu tư của công ty kể từ khi sáng lập vào năm 1977. Đây là thời điểm thị trường cũng sụt giảm tương tự vào năm 2000 và khủng hoảng tài chính năm 2008. Công ty của ông đang quản lý khoảng 65 tỷ USD tài sản. Ông nói: "Chúc may mắn! Chúng ta đều cần đến lời chúc này."
Ông lưu ý rằng, chứng khoán Mỹ đã trải qua 2 cột mốc tương tự trước đây. Đó là năm 1929, khi thị trường sụt giảm dẫn đến cuộc Đại suy thoái và năm 2000 khi bong bóng dot-com vỡ. Ông cũng cho biết, thị trường bất động sản Mỹ là "siêu bong bóng" vào năm 2006 và "siêu bong bóng" tương tự chính là thị trường chứng khoán và bất động sản Nhật Bản năm 1989.
Jeremy Grantham.
Ông viết: "Cả 5 siêu bong bóng này đều đã cho thấy xu hướng điều chỉnh với mức độ ảnh hưởng sâu rộng hơn so với mức trung bình."
Ông lập luận, nhiều nhà đầu tư không muốn tin rằng thị trường đã chạm đáy, đặc biệt là khi rơi vào vùng "giá xuống" vào tháng 3/2020. Grantham viết: "Khi bong bóng diễn ra, không ai muốn nghe về dự đoán thị trường gấu. Khi bong bóng được thổi phồng, đặc biệt là quả siêu bong bóng như hiện tại, đây là những trải nghiệm tài chính thú vị có một không hai."
Grantham tin rằng các động thái của Fed là hạ lãi suất gần mức 0 và sau đó giữ nguyên trong gần 2 năm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng của thị trường. Ông viết: "Một trong những lý do khiến tôi cảm thấy chán nản và phẫn nộ với Fed cùng các cơ quan tài chính khác vì đã cho tạo điều kiện cho điều này xảy ra. Đó là những thiệt hại chưa được công nhận mà bong bóng gây ra khi chúng xì hơi và ảnh hưởng đến ‘túi tiền’ của nhà đầu tư."
Nhà quản lý quỹ nói thêm: "Khi bong bóng hình thành, chúng ta nhận thấy những gì đã kiếm được là quá nhiều và khiến chúng ta chi tiêu mạnh tay. Sau đó, khi bong bóng vỡ, những giấc mộng đó bị phá nát và thúc đẩy những yếu tố kinh tế tiêu cực vào đà đi xuống."
Ông viết: "Chính sách kinh tế không hợp lý chính là nguyên nhân thúc đẩy bong bóng." Ông lo ngại về tình trạng bất bình đẳng gia tăng, đi kèm với đó là giá tài sản cao hơn trong khi nhiều người thậm chí không sở hữu chúng.
Đây không phải lần đầu tiên Grantham đưa ra nhận định ảm đạm như vậy đối với thị trường. Tháng 1 năm ngoái, ông cũng đưa ra bình luận tương tự về sự kết thúc của thị trường giá tăng, gọi thị trường chứng khoán là "quả bong bóng khổng lồ". Song, thị trường kết thúc năm 2021 ghi nhận mức cao kỷ lục và tăng năm thứ 3 liên tiếp.
Trong khi đó, một số chuyên gia đầu tư khác lại không có mối lo ngại tương tự Grantham. Jordan Kahn - chủ tịch kiêm CIO của ACM Funds, cho biết hiện tại thị trường ngắn hạn đang có nhiều cơ hội hơn.
Kahn cho hay, quỹ đầu tư long-short của ông chỉ đầu tư khoảng 30% vào các vị thế tăng giá mà họ kỳ vọng sẽ tăng lên. Ông cũng lo ngại về rủi ro với thị trường khi lãi suất cao hơn.
Ông nói: "Khi lãi suất ở mức 0 trong một thời gian dài, mọi mức định giá dường như đều được chấp nhận. Sau năm 2020, chúng tôi đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng cao vô lý. Nhưng ngay khi lạm phát tăng, mọi người bắt đầu đặt ra câu hỏi."
Song, Kahn lại không bi quan như Grantham. Ông thấy trước mắt là một "nhiều loại bong bóng" thay vì sự sụt giảm kinh hoàng. Đó là những "kẻ điên rồ" ở các ngóc ngách của thị trường như tiền số, cổ phiếu công nghệ được đầu cơ và không sinh lời. Ông nhận định: "Họ có niềm tin mù quàng. Các lĩnh vực đó được dự đoán sẽ có nhiều thiệt hạt."
Tham khảo CNN