Ngày 14 tháng 10, Bloomberg đưa tin nhà sáng lập Faraday Future - Jia Yueting đã nộp đơn xin phá sản tại tòa án Delaware. Nhà tài phiệt người Trung Quốc tuyên bố ông vẫn còn nợ khoảng 3,6 tỷ USD của hơn 100 chủ nợ, phần lớn là do sự sụp đổ của LeEco, một tập đoàn công nghệ cũng do ông sáng lập.
Vậy là sau "cú lừa" từ nhà sáng lập WeWork hay sự lụi tàn của Forever 21, lại có thêm một đế chế mang mộng "cân" cả thế giới đứng trên bờ vực phá sản.
"Quân vương Trung Quốc" mang giấc mơ cân cả thế giới
Sinh năm 1973, Jia Yueting là con út trong một gia đình có ba anh chị em. Không giống như anh trai và chị gái của mình, cả hai đều tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, Jia Yueting tốt nghiệp chuyên ngành tài chính và kiểm toán tại trường đại học địa phương ở Sơn Tây.
Jia Yueting
Jia bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc thành lập một công ty tư vấn kỹ thuật. Đến năm 2002, ông chuyển đến Thái Nguyên, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây, nơi doanh nhân này tạo ra Công ty TNHH Công nghệ Truyền thông Sơn Tây, tập trung vào các giải pháp và cơ sở hạ tầng CNTT cho những nhà khai thác viễn thông như China Telecom.
Hai năm sau, Jia cùng đối tác Liu Hong đồng sáng lập LeTV (sau là Tập đoàn LeEco). Vào thời điểm đó, đây là một trong những công ty duy nhất cung cấp các chương trình truyền hình và phim thông qua đăng ký phát trực tuyến, được ví như "Netflix của Trung Quốc".
LeTV được ví như "Netflix của Trung Quốc".
Nhưng dường như Jia yêu thích tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Không dừng lại với truyền hình trực tuyến, năm 2013, ông thâm nhập vào thị trường phần cứng với việc sản xuất TV, sau đó là điện thoại thông minh vào năm 2015.
Điện thoại thông minh mang thương hiệu LeTV.
Một trong những bước đi mang nhiều tham vọng nhất là Faraday Future, startup ô tô điện và xe tự lái được Jia sáng lập ở Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với Tesla của Elon Musk.
Bởi tính đa ngành và mức độ ảnh hưởng của công ty, người ta ví LeEco như Sony, Apple hay "Tesla của Trung Quốc". Còn Jia trở thành vị "quân vương" được người dân đại lục hết mực kính nể.
Trung Quốc có không ít những doanh nhân sở hữu đế chế tỷ đô, quyền lực, được cả thế giới biết đến. Trong số đó, Jia Yueting trở nên ấn tượng và khiến người ta liên tưởng tới huyền thoại Steve Jobs với phong cách ăn mặc áo đen quần jean, phong thái thuyết trình dễ hiểu, đơn giản trên sân khấu.
Jia từng khiến nhiều người liên tưởng tới huyền thoại Steve Jobs.
Nhưng không vì thế mà ông ngần ngại "cà khịa" đối thủ. Năm 2016, Jia từng công khai chê Apple đã lỗi thời trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình quốc tế đầu tiên của mình trên CNBC. Không chỉ "táo khuyết", Jia khiêu chiến với cả Netflix, Amazon và Tesla, tham vọng một mình "cân" cả thế giới. Thậm chí, năm 2015, ông đã tự ví công ty của mình với Hitler.
"Triết lý của LeEco là trở nên vĩ đại hay là chết, nhưng không bao giờ tầm thường hóa bản thân.", tuyên bố đầy tự tôn của nhà sáng lập Jia Yueting trên một tờ báo nội.
Năm 2016, Jia được Forbes xếp hạng là người giàu thứ 37 tại Trung Quốc.
Từ "con cưng quốc dân" thành con "sâu nợ" quốc tế
Tháng 12 năm 2017, Jia bị liệt vào danh sách đen "trốn nợ" của cơ quan chức năng Trung Quốc. Vào thời điểm ấy, tòa án ở Bắc Kinh ra phán quyết rằng Jia nợ Ping An Securities khoảng 73 triệu USD, bao gồm cả lãi suất và phạt phá hạn. Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Theo Forbes, nguồn lực sẵn có không đủ khả năng đáp ứng cho tốc độ phát triển nhanh chóng của đế chế LeEco. Công ty phụ thuộc rất nhiều vào tài chính bên ngoài.
Cuối năm 2016, Jia đã không thanh toán khoản lãi vay cho China Merchants Bank, khiến tòa án địa phương đóng băng 181 triệu USD và thêm vào 2,3 tỷ USD cổ phiếu được cam kết là tài sản thế chấp cho vay. Trước đó không lâu, Jia thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng tiền mặt của LeEco đã tệ hơn dự kiến, ngay cả khi đã nhận được khoản đầu tư 2,2 tỷ USD từ nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Sunac Holdings.
Tình hình tài chính của LeEco đã bộc lộ vấn đề từ vài năm trước.
Tính đến 30 tháng 9 năm 2017, LeEco có tổng số nợ 17,4 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD), tương đương tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lên đến 117%. Công ty cũng báo cáo khoản lỗ 1 tỷ nhân dân tệ (150 triệu USD) trong khoảng thời gian 2 tháng.
Cổ phiếu của LeTV bị đình chỉ trên sàn chứng khoán Thâm Quyến. Trong khi đó, Jia thừa nhận không thể cho LeEco vay tiền để cứu công ty khỏi tai ương như đã hứa vào năm 2015.
Startup xe điện Faraday Future từng lớn tiếng đe dọa Tesla cũng đang nợ nần chồng chất. Dù được nhận 800 triệu USD tiền đầu tư vào đầu năm 2018, công ty đã lỗ 477 triệu USD. Đến ngày 31 tháng 7 năm 2019, Faraday Future mất thêm 103 triệu USD, tổng nợ phải trả chạm mức 801 triệu USD, trong khi chỉ còn 6,8 triệu USD trong ngân hàng.
Faraday Future đã mất 2,15 tỷ USD kể từ khi thành lập. Công ty phải thuê một cơ sở sản xuất mới ở California sau khi đóng cửa nhà máy trị giá 1 tỷ USD ở Nevada.
Theo The Verge, hiện Jia đang mắc nợ hơn 100 chủ nợ, với tổng số tiền khoảng 3,6 tỷ USD.
Vì đâu nên nỗi?
Quản lý yếu kém, doanh thu thấp, chi phí vượt mức và sự tự tin thái quá về nhu cầu sản phẩm của Jia đã đưa công ty đến bờ vực phá sản. Để ngăn viễn cảnh sụp đổ, Jia phải vay bằng chính cổ phiếu của mình để đổ tiền vào các công ty con.
Trong khi đó, cách thức quản lý tài chính của Jia nhận về nhiều sự chỉ trích từ các doanh nhân, chuyên gia.
"Chúng tôi tăng tốc mà không cần suy nghĩ và nhu cầu về tiền mặt đã bùng nổ. Chúng tôi đã mở rộng quá mức vốn với tài nguyên hạn chế trong khi theo đuổi chiến lược toàn cầu của mình.", Jia viết trong một bức thư gửi nhân viên.
Tháng 4 năm 2017, nhà sáng lập đã phải rời khỏi chiếc ghế CEO, nhường quyền diều hành công ty cho cựu giám đốc Lenovo.
"Jia đã kiếm được rất nhiều tiền mà không bao giờ giải thích đầy đủ về số tiền mất đi", Yale Zhang, một nhà phân tích tại công ty tư vấn Auto Foresight có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
Dẫu vậy, đội ngũ của Jia cho biết họ sẽ quay trở lại quê hương để tiếp tục phát triển Faraday Future, theo đuổi "chiến lược thị trường kép", vẫn nhắm đến Trung Quốc và Mỹ.
"Vấn đề phá sản của Jia sẽ không ảnh hưởng gì đến bất kỳ hoạt động kinh doanh thông thường nào của Faraday Future", công ty cho hay.