Tờ Forbes đưa tin, Lee Seung-gun – nhà sáng lập và CEO của startup công nghệ tài chính Viva Republica vừa chính thức gia nhập danh sách tỷ phú tự thân ở Hàn Quốc.
Cụ thể đầu tuần này, Viva Republica – công ty sở hữu ứng dụng Toss tuyên bố rằng họ đã huy động được 410 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất, định giá startup 8 năm tuổi này ở mức 7,4 tỷ USD. Các nhà đầu tư vào công ty gồm cả Alkeon Capital Management, Altos Ventures, PayPal…
Một người phát ngôn của Toss xác nhận rằng cổ phần của Lee tại Viva Republica hiện trị giá trên 1 tỷ USD sau vòng gọi vốn mới nhất. Tờ Forbes ước tính Lee sở hữu ít hơn 18% Viva Republica, trị giá 1,2 tỷ USD.
Có trụ sở ở Seoul, Viva Republica được thành lập năm 2013. 2 năm sau đó, họ cho ra đời Toss như một dịch vụ chuyển tiền. Kể từ đó, Toss đã mở rộng dịch vụ của họ sang cung cấp các khoản vay, kiểm tra điểm tín dụng và đầu tư chứng khoán.
Toss nói họ có 20 triệu người dùng, tức là hơn 1/3 dân số Hàn Quốc. Viva Republica báo cáo doanh thu tăng gấp 3 lên 390 tỷ won (330 triệu USD) trong năm 2020 so với 1 năm trước đó. Thua lỗ đã thu hẹp lại còn 72,5 tỷ won từ mức 115 tỷ won.
Trước khi khởi nghiệp với Viva Republica, Lee tốt nghiệp từ trường Đại học Seoul – làm nha sĩ tại bệnh viện Samsung. Anh có ý tưởng xây dựng Toss sau khi gặp rắc rối về việc chuyển tiền thông qua điện thoại di động.
"Tôi đã thấy rất nhiều sản phẩm như vậy ở Mỹ và nghĩ rằng: Nếu dịch vụ này có ở Hàn Quốc chắc chắn nó sẽ phát triển bùng nổ".
Để biến ý tưởng của mình thành hiện thực, Lee đã mất nhiều thời gian để thuyết phục, không chỉ các nhà đầu tư và nhà làm luật mà cả bố mẹ mình. Anh đã dành một năm để làm việc với các nhà làm luật tại Hàn Quốc để thuyết phục họ về nền tảng chuyển tiền đơn giản của mình. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng vào năm 2015, họ đồng ý nới lỏng quy định về ứng dụng chuyển tiền. Sau đó, Toss chính thức ra mắt.
Tuy nhiên, bố mẹ anh cũng là một rào cản lớn. Khi Lee nói rằng sẽ bỏ công việc nha sĩ ổn định để trở thành một doanh nhân, cha mẹ anh đã vô cùng tức giận. Sự bấp bênh của việc kinh doanh có thể là điều khó chấp nhận đối với cha mẹ anh. Chưa kể, tại Hàn Quốc, tư tưởng bảo thủ vẫn còn phổ biến, điều này càng khó chấp nhận.
"Cha mẹ tôi đã thực sự thất vọng. Tại châu Á nói chung, gia đình và xã hội thường kỳ vọng bạn sẽ làm một nghề nào đó như bác sĩ hay nha sĩ. Nhưng tôi không phải là một người như vậy", Lee kể lại.
Tuy nhiên, sự phản đối của cha mẹ Lee không phải là vô căn cứ. Trước đó, khi mới bỏ việc, Lee đã mất hơn 4 năm và toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để thử các ý tưởng khởi nghiệp khác nhau. Sau 8 lần thất bại với các startup từ mạng xã hội cho tới ứng dụng di động, Lee mới thành công với Toss.
Nguồn: Forbes