Tại Hà Nội, chính doanh nghiệp đề xuất xin phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tái định cư (TĐC) đã xây dựng xong cách đây hơn 10 năm nhưng người dân không nhận nhà. Tại TP.HCM, cũng đang còn hàng chục nghìn căn - nền TĐC nhưng chưa được đưa vào sử dụng.
Không đồng ý phá bỏ 150 căn hộ TĐC
3 tòa nhà tái định cư cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị mới Sài Đồng (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2001 - 2006 dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng. Do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay.
Sau 10 năm hoàn thành nhưng không có người ở, Hanco3 đã đề xuất TP.Hà Nội cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà để xây dựng nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của thành phố đáp ứng nhu cầu mới của người dân hiện nay.
3 tòa nhà với 150 căn hộ tái định cư bỏ hoang hơn 10 năm nay tại khu đô thị Sài Đồng nhưng dân không nhận nhà được chủ đầu tư Hanco 3 đề xuất phá bỏ toàn bộ ngày càng xuống cấp (Ảnh:H.Khanh) |
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, Sở đã nhận được đề xuất phá dỡ 3 tòa nhà của Hanco3. Chúng tôi chưa đồng ý để họ phá dỡ 3 tòa nhà và đã hướng dẫn họ xây dựng các phương án đề xuất cải tạo, sửa chữa để tiếp tục làm quỹ nhà tái định cư hoặc phá bỏ để xây nhà ở mới. Nhưng đến nay, họ chưa gửi lại phương án đề xuất cho Sở Xây dựng nên chưa báo cáo lãnh đạo TP.Hà Nội để ra quyết định – vị lãnh đạo cho hay.
Và đến nay, 3 tòa nhà TĐC ở quận Long Biên bị đề xuất phá bỏ vẫn tiếp tục bỏ hoang và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Những con số giật mình
Việc tính toán không phù hợp với thực tế cũng khiến TP.HCM đang lãng phí hàng chục nghìn căn – nền TĐC chưa được đưa vào sử dụng. Những con số được Kiểm toán Nhà nước vừa công bố tại báo cáo về hoạt động Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ TĐC và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất TĐC giai đoạn 2013 – 2016 của TP.HCM và một loạt dự án xây dựng trên địa bàn khiến dư luận giật mình.
Dẫn số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, tổng số quỹ nhà, đất đã hoàn thành phục vụ cho công tác tái định cư, tính đến ngày 31/3/2017 là 39.991 căn nhà, nền đất (25.506 căn nhà và 14.485 nền đất).
Các quận - huyện đã bố trí tái định cư được 26.625 căn nhà, nền đất; chưa bố trí được 14.366 căn nhà, nền đất. Như vậy, số lượng quỹ nhà, đất còn tồn đọng tương đương 56,06% số lượng đã bố trí tái định cư từ năm 2004 đến nay.
Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư chưa phù hợp nhu cầu thực tế. Đến cuối năm 2016, TP.HCM mới chỉ mua lại 6.714 căn hộ đã hoàn thành đưa vào bố trí tái định cư trên tổng số 12.500 căn hộ.
Hàng chục tháp nhà tái định cư tại phường Bình Khánh (Thủ Thiêm) được xây dựng hoành tráng nhưng hoang vắng, không có người ở (Ảnh: TheLEADER) |
Nhưng tính đến cuối tháng 8/2017, thành phố mới bố trí tái định cư được 1.759 căn hộ. Cụ thể, đối với 3 dự án xây dựng chung cư thuộc khu tái định cư 38,4 ha (phường Bình Khánh, Q.2), đến thời điểm kiểm toán, chỉ có dự án 1.080 căn được bàn giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 để đưa vào sử dụng; 2 dự án còn tồn đọng hơn 3.700 căn hộ.
Điều đáng nói, trong khi hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang không có người ở nhưng tại một số quận - huyện vẫn còn thiếu cục bộ. Như tại huyện Bình Chánh quỹ nhà đất TĐC chủ yếu là đất nền, chỉ có 1 dự án khu tái định cư Vĩnh Lộc B là căn hộ tái định cư nhưng vị trí ở cách xa khu vực dự án đến 20 km, dẫn đến nhiều hộ không đồng ý tái định cư ở đây.
Ngân sách mất tiền, nhà vẫn bỏ hoang
Theo Kiểm toán Nhà nước, khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được quyết định đầu tư từ năm 2004, quy mô hơn 500 đất nền và trên 2.200 căn hộ, với tổng mức đầu tư gần 543 tỷ đồng. Đến cuối năm 2007, TP điều chỉnh xuống còn gần 2.000 căn hộ nhưng tổng mức đầu tư được nâng lên gần 848 tỷ đồng.
Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 5/2008, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010, với tổng mức đầu tư đề nghị điều chỉnh là hơn 1.062 tỉ đồng. Theo đó, việc chậm tiến độ đầu tư đã phát sinh tăng ít nhất 519 tỉ đồng, gần gấp đôi tổng mức đầu tư ban đầu.
Cần có chính sách TĐC nhưng không nên có nhà TĐC |
Thế nhưng, dự án này chỉ bố trí tái định cư được 479/1.939 căn hộ, số còn lại bỏ hoang nhiều năm nay gây lãng phí ngân sách. Hiện TP đang có phương án đem bán đấu giá 1.000 căn hộ, số còn lại sẽ để dự phòng bố trí trong những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, lũ lụt...
Hay để làm khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP đã xây dựng khu tái định cư Bình Khánh (Q.2) có diện tích 38,4 ha (với 4 dự án thành phần), thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư, khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án được thực hiện theo cơ chế các chủ đầu tư tự huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm kiểm toán nguồn vốn để thanh toán cho chủ đầu tư 3 dự án (dự án được chọn kiểm toán, thuộc Khu TĐC 38,4ha Bình Khánh) là từ nguồn vốn tạm ứng ngân sách thành phố, vay của các ngân hàng thương mại nhà nước và vay công ty Đầu tư Tài chính TP.HCM.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng năm 2015, UBND TP HCM cho biết tổng vốn đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay là hơn 29.000 tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 12.000 tỷ đồng là vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng nên tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỷ đồng mỗi ngày. Áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong năm nay và năm tới là rất lớn (năm 2015 là hơn 902 tỷ đồng; 2016 trả nợ gốc đến hạn là hơn 5.200 tỷ và lãi vay phát sinh 829 tỷ).
Nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị như Hà Nội, TP.HCM là rất lớn nhưng hàng chục ngàn căn hộ tái định cư đã xây dựng xong lại không ai vào ở. Điều này cũng đặt ra vấn đề, liệu có nên tiếp tục xây dựng nhà tái định cư nữa hay không? Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc bỏ hoang 3 tòa nhà TĐC cả thập kỷ rồi xin phá bỏ là một điển hình về việc đầu tư xây dựng duy ý chí cũng cho thấy sự bất hợp lý trong chính sách tái định cư.
|
Hồng Khanh