Giá xăng dầu và nguyên vật liệu xây dựng tăng quá nhanh trong thời gian qua đang gây áp lực rất lớn cho các nhà thầu, gây nguy cơ đội vốn và chậm tiến độ nhiều dự án.
Theo một nhà thầu đang thi thông tuyến Dầu Giây – Phan Thiết thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông, xăng dầu là loại nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm phần lớn chi phí ca máy. Việc giá xăng và dầu diesel hiện đã tăng gấp đôi so với giá bỏ thầu sẽ khiến nhà thầu này bị tăng chi phí từ 5 - 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, giá sắt thép, xi măng cũng đang tăng phi mã; trong đó, riêng giá thép đã tăng 60% kể từ thời điểm bỏ thầu.
"Nếu tính cả các chi phí phải bù đắp cho việc tăng giá cho các loại vật liệu khác, chúng tôi đang phải bù lỗ 200 tỷ đồng, tương ứng 18% giá trị hợp đồng không bao gồm dự phòng", đơn vị này cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, do đặc thù công trình giao thông là những dự án kéo dài trong nhiều năm, vì vậy vấn đề biến động giá cả là chuyện hết sức bình thường.
Thông thường khi bỏ thầu các nhà thầu đều đã tính đến vấn đề trượt giá, song đúng là tỷ lệ và mức độ biến động giá cả của giai đoạn hiện nay rất lớn, việc tăng giá rất đột biến mà thông thường không ước tính được hết.
Hiện, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương ban hành danh mục công bố giá vật liệu xây dựng để làm căn cứ điều chỉnh giá theo hợp đồng, để giúp cho nhà thầu.
Nhà thầu phải thể hiện được năng lực về tài chính và khả năng dự báo
Với các dự án chưa triển khai, trong quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án, trong đó có Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, xét tình hình rất khó để triển khai thành công theo hình thức PPP, Chính phủ đã trình Quốc hội và được thông qua chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, với các dự án đã triển khai, việc điều chỉnh tổng vốn dự án là rất bất khả thi, khó triển khai ngay. Với dự án cao tốc Bắc - Nam, điều chỉnh tổng vốn dự án phải do Quốc hội quyết định.
"Khó khăn lúc này là khó khăn mang tính vĩ mô không chỉ đối với ngành giao thông mà còn với tất cả các ngành của nền kinh tế", vị đại diện Bộ GTVT nhìn nhận.
Do đó, giải pháp cần làm lúc này là xây dựng được kế hoạch thi công để làm sao chủ động được về nguyên vật liệu, bám sát tiến độ đặt ra.
Trong giai đoạn khó khăn này, các nhà thầu phải thể hiện được năng lực về tài chính hay khả năng dự báo của mình. Từ những dự án này, Bộ GTVT và nhà thầu cũng có những giải pháp căn cơ hơn để xây dựng đơn giá khi tham gia thầu để mang lại hiệu quả cho nhà thầu.
Hiện các địa phương công bố giá nguyên vật liệu từ 3-4 tháng/lần, song mới đây Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng có hướng dẫn càng sớm càng tốt.
Xử lý triệt để khó khăn tại cao tốc Bắc - Nam, không để chậm tiến độ
Liên quan đến những vướng mắc, khó khăn tại tuyến cao tốc Bắc - Nam, mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có chuyến kiểm tra thực địa tuyến dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và khẳng định, sẽ giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc tại dự án này.
Đồng thời, Phó thủ tướng cho biết, trong vài ngày tới sẽ ban hành công điện thúc đẩy tiến độ các dự án, xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc. Về biến động giá cả vật liệu, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có hướng dẫn càng sớm càng tốt.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải kiên quyết hoàn thành 361 km cao tốc trong năm nay. Mục tiêu này đã được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ, đã được các nhà thầu, đơn vị thi công cam kết, không thể thất hứa với nhân dân.
"Phải tạo không khí thi đua sôi nổi, thiết thực đưa các dự án về đích đúng hẹn. Phải nói thật, làm thật", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Tính đến thời điểm tháng 4/2022, chỉ còn hơn 8 tháng là phải hoàn thành 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn những dự án chưa đáp ứng tiến độ.
Hiện, 2 dự án đang đáp ứng tiến độ gồm: Đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 dài 63,37 km với sản lượng thực hiện đạt 57,5% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu; đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km, dự kiến hoàn thành ngày 30/9, hiện đạt khoảng 81,8% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch.
Còn lại 2 dự án là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chậm tiến độ do một số nhà thầu không đáp ứng được năng lực tài chính và kinh nghiệm tổ chức thi công.