Mới đây, Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) gây chú ý khi "xoay trục" sang đầu tư các dự án bất động sản. Cụ thể, HTN nằm trong số các liên danh đăng ký tham gia thực hiện dự án khu nhà ở xã hội tại khu đô thị Cầu Rào 2, thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.
Thực tế, chuyện các nhà thầu xây dựng "lấn sân" sang lĩnh vực bất động sản không còn quá xa lạ. Trước Hưng Thịnh Incons, hàng loạt các "ông lớn" trong ngành xây dựng như Coteccons, Ricons, Newtecons, Fecon,... cũng lần lượt xuất hiện trong vai trò trực tiếp đầu tư dự án.
Chẳng hạn, Coteccons (HoSE: CTD) đang đầu tư vào dự án The Emerald 68 tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đây là dự án là Coteccons hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Lê Phong Group) và cũng là dự án đầu tiên Coteccons đóng vai trò nhà phát triển.
Trước Coteccons, Ricons cũng định hướng đầu tư vào bất động sản, với mục tiêu mở rộng nguồn thu bên cạnh ngành xây dựng cốt lõi của doanh nghiệp. Tiêu chí của Ricons là đầu tư có chọn lọc, liên kết với các chủ đầu tư tại các dự án có pháp lý rõ ràng, các dự án thứ cấp có khả năng mang lại lợi nhuận cao.
"Ông lớn" Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) cũng đầu tư nhiều vào các dự án bất động sản, dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Một số dự án công ty đầu tư có thể nhắc đến như: 1C Tôn Thất Thuyết (Q.4), Ascent Garden Homes (Q.7), Ascent Plaza (Q.Bình Thạnh), Ascent Lake Side (Q.7 ),...
Một loạt các nhà thầu tên tuổi khác như Newtecons, Fecon... cũng đang có định hướng sẽ tham gia đầu tư trực tiếp vào bất động sản.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc "lấn sân" sang bất động sản đang là một lựa chọn tối ưu của các nhà thầu xây dựng khi mảng kinh doanh chính đang dần bị co lại. Nguyên nhân là do kể từ sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản trong nước và quốc tế "đóng băng" đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng càng thêm lao đao.
Chưa kể, "cơn bão giá" vật liệu tăng cao kể từ 2022 tiếp tục đè nặng lên sức chịu đựng vốn đã cạn kiệt của ngành xây dựng. Vì vậy, việc xoay trục để thích ứng và tồn tại qua giai đoạn khó khăn hiện nay là điều tất yếu.
Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng Khoán KIS Việt Nam, nhận định, việc các DN xây dựng chuyển hướng đầu tư thêm bất động sản thực ra là cũng ổn vì cùng "chung ngành" với nhau, có mối quan hệ với nhau.
Thêm vào đó, các DN xây dựng đầu ngành thậm chí còn có sự hiểu biết, kể cả có sự ưu tiên, ưu ái… nên việc các DN này chuyển sang đầu tư bất động sản cũng không xấu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là DN phải điều tiết lĩnh vực, điều tiết dòng tiền như thế nào cho tốt.
"Nếu nguồn vốn các DN ngành xây dựng được đảm bảo, dòng tiền của họ cũng đảm bảo thì việc đầu tư thêm lĩnh vực bất động sản là bình thường vì do ở trong ngành xây dựng lâu năm thì chắc chắn các DN sẽ nắm chắc tính chất pháp lý của dự án, những rủi ro liên quan đến pháp lý cũng am hiểu do đúc kết kinh nghiệm từ các khách hàng là những DN bất động sản chính thống, nên điều này thậm chí cũng là một lợi thế", ông Phương nhận xét.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) từng chia sẻ với cổ đông rằng, ngành xây dựng đang trong giai đoạn rất khó khăn, cạnh tranh khốc liệt về giá, thậm chí tình trạng làm dưới giá vốn đang trở nên phổ biến. Chính vì khó khăn như thế, các nhà thầu dù có "tên tuổi" như Hòa Bình cũng phải chuyển hướng sang nước ngoài hoặc tìm cách mở rộng sang lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy cạnh tranh trong ngành xây dựng đang rất khốc liệt. Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng dự án mới khan hiếm, nhà thầu sẵn sàng chấp nhận dự án với mức lãi cực mỏng, chỉ 2%-3% là cũng cao rồi.
Thế nhưng, trường hợp nếu chủ đầu tư trả tiền chậm, hoặc không thanh toán thì nhà thầu còn "thảm" hơn nữa.
Ông Ngô Quang Phúc, CEO Phú Đông Group cho hay, DN dù với bề dày 43 năm trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản nhưng thực tế thời gian qua ngành xây dựng rất khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là việc các đối tác chậm dòng tiền thanh toán.
Với "ông lớn" Hòa Bình, mới đây DN này tiếp tục thông qua nghị quyết chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Máy xây dựng Matec (Matec) cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, với giá trị chuyển nhượng tốt nhất, sau khi đã bán Ashita Group hồi năm 2023.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Xây dựng Hòa Bình đạt doanh thu 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Lãi ròng quý IV/2023 đạt 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên HBC có lãi trở lại sau 4 quý lỗ liên tiếp.
Lũy kế năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2022. Dù có lãi trở lại trong quý IV/2023 nhưng cả năm HBC vẫn lỗ ròng 777 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp HBC lỗ ròng cả năm nhưng con số này đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 2.600 tỷ đồng của năm 2022.
Với việc tiếp tục thua lỗ trong năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đã nâng lỗ lũy kế lên 2.878 tỷ đồng (bằng 105% vốn điều lệ). Trong đó, vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình hiện chỉ còn 453 tỷ đồng.