The Diamond Park do Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC (tên gọi trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam) làm chủ đầu tư được UBND huyện Mê Linh phê duyệt quy hoạch từ năm 2008.
Sau khi có thông tin chủ đầu tư Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (tên thương mại The Diamond Park) tại huyện Mê Linh (Hà Nội) chia lô, bán dưới dạng liền kề, biệt thự, Thủ tướng đã yêu cầu thanh tra toàn bộ dự án. Dự án được giao Công ty cổ phần Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam (hiện đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Videc) làm chủ đầu tư.
Liên quan đến vụ việc này, mới đây UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra toàn diện dự án.
Theo đó, UBND TP Hà Nội cho biết, quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư chủ yếu diễn ra khi huyện Mê Linh thuộc Vĩnh Phúc. Khi thanh tra, hồ sơ dự án không còn lưu giữ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hồ sơ lưu tại chủ đầu tư và các sở thuộc UBND TP Hà Nội nhận bàn giao từ Vĩnh Phúc không đầy đủ.
Qua xem xét hồ sơ, báo cáo của UBND Hà Nội cũng chỉ rõ dự án có tên xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp nhưng quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đồng ý cho Videc làm nhà liền kề, biệt thự. Đáng lưu ý, dự án khu nhà thu nhập thấp lại chỉ có một phần nhà thu nhập thấp, phần lớn là biệt thự, nhà liền kề (chiếm 70,92% tổng tích đất ở) là có sự thay đổi so với chủ trương đầu tư ban đầu do Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất và đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận.
Cũng theo kết luận, năm 2018, VIDEC lại ký kết hợp đồng mua bán 81 biệt thự và nhà liền kề với tổng giá trị hợp đồng khoảng 215,4 tỷ đồng. Dù đã bán hàng trăm biệt thự, nhà liền kề thuộc dự án The Diamond Park để thu lợi nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 4/2019), VIDEC chưa hề báo cáo Sở Xây dựng để đưa dự án vào kế hoạch phát triển nhà của TP.
Trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư, Vĩnh Phúc thẩm định năng lực tài chính chủ đầu tư với vốn chủ sở hữu 20 tỷ đồng vào năm 2007, đủ đảm bảo theo quy định với tổng mức đầu tư hơn 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn cho phép đầu tư, do thay đổi nội dung đầu tư nên tổng mức đầu tư giai đoạn 1 tăng lên 134 tỷ đồng. Điều đáng nói, các sở ngành tham mưu của Vĩnh Phúc không thẩm định lại năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Cũng trong giai đoạn này, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất trước khi giải phóng mặt bằng là không phù hợp quy định. Việc áp dụng ưu đãi đầu tư miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích xây dựng nhà chung cư không đúng thẩm quyền.
Công tác giải phóng mặt bằng không niêm yết công khai, lấy ý kiến của các hộ dân, theo UBND TP Hà Nội, cũng chưa đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa thu phí xây dựng đối với chủ đầu tư là không đúng; phương pháp xác định một số chi phí trong tổng mức đầu tư tại thiết kế cơ sở cao hơn suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố.
UBND TP Hà Nội yêu cầu Videc khắc phục sai phạm, chấp hành việc xử lý hành chính... Hà Nội còn đề xuất Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc rà soát thủ tục đầu tư xây dựng dự án trước ngày 1/8/2008 - thời điểm Mê Linh sáp nhập về Hà Nội.
Được biết, dự án Diamond Park có diện tích ban đầu là 14,5 ha, sau này tăng lên 16,8 ha. Với tên gọi khi phê duyệt là khu nhà ở cho người thu nhập thấp, dự án dự kiến cung cấp hàng nghìn căn hộ nhà ở xã hội phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp, cũng như đối tượng chính sách xã hội. Tuy nhiên, sau khi được hưởng các ưu đãi, phần nhà ở xã hội vẫn chưa được khởi công, chủ đầu tư lại phân lô, bán nền biệt thự, nhà liền kề để bán kiếm lời.
Liên quan đến dự án này, cuối năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBNB TP Hà Nội về việc xử lý phản ánh của báo chí về Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) tại huyện Mê Linh.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo thanh tra toàn diện Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) tại huyện Mê Linh; kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan về từng nội dung liên quan đến Dự án và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.