Quan sát của phóng viên cho thấy các loại địa lan, hồ điệp, lan vũ nữ và rất nhiều loại hoa cao cấp khác tại TP Đà Lạt và một số huyện của Lâm Đồng đã nở rộ. Theo thống kê, diện tích canh tác hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 3.871 ha, trong đó gần 3.500 ha trồng hoa Tết. Tuy nhiên, nhiều chủ vườn cho biết hiện nay, các loại hoa nở rộ chiếm tới 70%. Để vớt vát, nhà vườn đành phải cắt bán hoa cành. Trung bình mỗi cành hoa địa lan cắt bán có giá từ 40.000 - 70.000 đồng, trong khi nếu nở đúng Tết, giá có thể cao gấp hàng chục lần, như: địa lan vàng New Zealand 800.000 đồng/cành; địa lan SJC vàng chanh, xanh thơm 600.000 đồng/cành; địa lan cam lửa khoảng 400.000 - 500.000 đồng/cành...
Nhiều chủ vườn có kinh nghiệm cũng không thể "hãm" sự phát triển của loại hoa này do thời tiết Đà Lạt gần đây nắng nóng bất thường. Nhiều loại hoa nở sớm nên dự báo các loại địa lan, lan hồ điệp sẽ khan hiếm trong dịp Tết và giá sẽ cao hơn năm trước.
Theo nhiều nhà vườn, giá hoa cát tường vụ Tết bán sỉ thường không dưới 60.000 đồng/kg, trong khi hiện tại chỉ có 25.000 đồng/kg. Đây là loài hoa khó trồng, dễ chết yểu nên chi phí đầu tư khá cao, phải trồng trong nhà kính và kỳ công chăm sóc. Với mức giá này, người trồng hoa cầm chắc thua lỗ.
Hoa địa lan Đà Lạt nở rộ khiến nông dân thất thu vụ Tết Ảnh: Đình Thi
Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP Đà Lạt, thông tin: "Do năm nay nhuận 2 tháng 6 kèm với thời tiết bất lợi nên một số nhà vườn đã chủ quan trong việc làm chậm sự phát triển của hoa, lâm cảnh thất thu vụ hoa Tết nguyên đán 2018. Hiện nhiều nhà vườn có hoa nở sớm đã chấp nhận bán với giá thấp bằng 1/10 để tránh thua lỗ tiền phân bón và công chăm sóc...".
Ông Lại Thế Hưng, Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng, khuyến cáo: "Tình trạng một số loại hoa bung nở sớm tại các phường 7, 8, 11, 12... của TP Đà Lạt đang gây thiệt hại lớn cho nông dân. Trước mắt, nhà vườn hạn chế tưới nước, che bớt ánh sáng, giảm nhiệt độ để kìm hãm độ nở của hoa nhằm tránh thiệt hại nặng vụ hoa Tết năm nay".
Tại TP HCM, với gần 473 ha trồng mai vàng tập trung ở huyện Bình Chánh (gần 290 ha), Củ Chi, quận 9 và Thủ Đức, các nhà vườn dự kiến cung cấp khoảng 600.000 chậu mai trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 trị giá trên 300 tỉ đồng. Vì rơi vào năm nhuận nên các nhà vườn đã phải điều chỉnh cho mai nở chậm đúng Tết nhưng những cơn mưa gần đây lại kích thích mai ra hoa sớm. Trung tâm Khuyến nông TP đang theo dõi sát tình hình để có biện pháp hỗ trợ người trồng kịp thời.
Ngoài mai, TP HCM còn trồng hoa lan, bon sai và kiểng các loại cùng với hoa nền (cúc, vạn thọ, sống đời, hướng dương, cát tường,…) là một trong những cây trồng có thế mạnh tại vùng ven thành phố. Dự kiến Tết này, nông dân thành phố cung ứng trên 10 triệu (chậu, cành) lan mokara và dendro, khoảng 1,5 triệu chậu bonsai, kiểng các loại. Giới kinh doanh hoa, cây kiểng cho biết các loại hoa truyền thống như: sống đời, cúc đại đóa, vạn thọ… có khả năng hút hàng do sản lượng ít hơn mọi năm. Riêng cúc mâm xôi giá khó cao hơn năm trước do nhà vườn miền Tây trồng rất nhiều. Thị trường năm nay có sự cạnh tranh rất lớn bởi hàng nhập ngoại, nhất là từ Trung Quốc như: hoa đỗ quyên, thủy tiên, hồ điệp, địa lan… đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ở ĐBSCL, nhiều hộ trồng hoa kiểng cũng đứng ngồi không yên khi thấy ruộng hoa của mình "khoe sắc" do ảnh hưởng của những cơn mưa trái mùa. Nhiều nhà vườn buộc phải gọi thương lái đến bán rẻ.