Trên các nền tảng mạng xã hội Messenger, Viber, Zalo sáng ngày 29.8, một tin nhắn lan truyền rộng rãi được cho là “thông tin cảnh giác” khiến nhiều người nhận tin cảm thấy lo lắng vì sợ mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Tin lan truyền gây lo lắng
Cụ thể, nội dung thông tin này cho rằng: “Vừa rồi, đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta đã được tiêm phòng, hãy nhấn phím 1. Nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, và điện thoại bị chặn, và thông tin ngân hàng trực tuyến và thanh toán thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển.
Tin nhắn đang lan truyền trên mạng xã hội này nhiều khả năng là tin giả. Ảnh chụp màn hình. |
Mọi người cẩn thận nha. Nhanh tay chuyển đến cho nhiều người cùng biết. Chỉ cần bấm theo hướng dẫn của nó là trong 3 giây nó lấy được hết thông tin tài khoản ngân hàng, nó vô hiệu hoá điện thoại mình, máy chủ nó điều khiển. Khi nó rút tiền ngân hàng nó nhắn mã OPT vào số điện thoại của mình nhưng nó nhận được, máy mình vô hiệu hoá”.
Thông tin này được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với mức chóng mặt vì rất nhiều người nghĩ rằng đó là thông tin cảnh báo thật, hoặc nửa tin nửa ngờ, cứ gửi cho bạn bè, nhóm chat/mạng xã hội để đề phòng vẫn hơn, chính vì thế mỗi lúc càng nhiều người dùng nhận được.
Khó có khả năng lấy được tiền trong ngân hàng
Người dùng điện thoại nhận được tin nhắn lan truyền cảm thấy lo lắng vì nghĩ rằng nếu đúng theo nội dung thông tin này thì việc đối tượng lấy cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của các cá nhân là quá dễ dàng.
Theo các chuyên gia bảo mật, khó có khả năng chỉ bấm phím 1 hoặc 2 khi nhận cuộc gọi là bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Ảnh chụp màn hình |
Trao đổi với phóng viên Lao Động, tiến sĩ Đặng Minh Tuấn- Trưởng Lab Blockchain, giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - cho rằng, nếu chỉ với yêu cầu người dùng điện thoại thao tác bấm phím 1 hoặc 2 thôi thì khả năng đánh cắp thông tin ngân hàng sẽ rất khó xảy ra. Muốn đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để lấy tiền, kẻ xấu cần người dùng có những thao tác sâu hơn tạo kẽ hở cho chúng truy cập vào máy, tài khoản của người dùng thì mới có thể khả thi.
Tuy nhiên, tiến sĩ Tuấn vẫn thận trọng: “Trường hợp này cần nghiên cứu thêm”.
Chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena – khẳng định: “Trong tình huống tin nhắn đang lan truyền trên mạng xã hội đặt ra, không thể lấy cắp được tiền trong tài khoản ngân hàng”.
Theo ông Thắng, trường hợp nhận một cuộc gọi lạ nếu người dùng bấm phím bất kỳ có thể bị trừ cước thì có thể xảy ra. Đó thuần túy trên giao thức viễn thông. Còn trường hợp thông tin tài khoản ngân hàng thuộc về giao thức dữ liệu. Hai giao thức khác nhau, dường như là không thể chỉ vì bấm phím 1 hoặc 2 theo giao thức viễn thông khi nhận cuộc gọi mà có thể bị lấy cắp dữ liệu để từ đó đối tượng đánh cắp sạch tiền trong tài khoản ngân hàng.
Khả năng rất cao là tin giả
Một chuyên gia bảo mật khác là anh Đào Minh Tuấn cũng bày tỏ rằng, trường hợp như trong nội dung thông tin lan truyền anh chưa gặp bao giờ. Tuy nhiên, để đề phòng, tốt nhất người dùng khi đã lỡ nhận một cuộc gọi lạ thì không nên làm theo những gì đối tượng chỉ dẫn.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Đặng Minh Tuấn cho rằng, đặc biệt là đối với các số điện thoại lạ, không có trong danh mục, những tổng đài số nước ngoài… thì càng không nên làm theo chỉ dẫn của đối tượng. “Nếu mình làm theo, có thể không bị mất thứ này cũng mất thứ khác”, ông Tuấn nói.
Tiếp tục trao đổi với chuyên gia bảo mật Nguyễn Minh Đức – nhà sáng lập kiêm CEO công ty bảo mật CyRadar, ông Đức cho rằng đó có thể là tin giả.
Cụ thể hơn, theo ông Đức, đây có thể là dạng tin giả “hoax”, nghĩa là loại tin giả dối bịa đặt cố tình gây sợ hãi, hoang mang.
Một số dấu hiệu để nhận biết loại tin giả “hoax” là kêu gọi lan truyền thông tin, nội dung thông tin gây sợ hãi, không có nguồn tin chính xác và rõ ràng.
Các dấu hiệu này được thể hiện khá rõ trong mẫu tin nhắn đang được lan truyền trên mạng xã hội đề cập ở trên.
(Theo Lao Động)