Đồng nhân dân tệ giảm xuống ngưỡng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 so với đồng USD trong bối cảnh đồng bạc xanh đang không ngừng mạnh lên và các giải pháp hỗ trợ đồng tiền nội địa của ngân hàng trung ương chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, giá trị đồng nhân dân tên trên thị trường trong nước giảm 0,2% xuống 7,1955 CNY đổi 1 USD, thấp nhất 18 năm trong sáng ngày 28/9. Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, hiện 1 USD đổi được 7,2 CNY, thấp nhất kể từ năm 2010.
Đà tăng mạnh của đồng USD kéo giảm giá trị của đồng nhân dân tệ. Ảnh: Reuters.
Tính từ đầu tháng 9, giá trị đồng nhân dân tệ giảm hơn 4% so với đồng USD, hướng tới năm giảm giá sâu nhất kể từ năm 1994. Đồng tiền này chịu áp lực giảm giá lớn khi quan điểm chính sách giữa hai ngân hàng trung ương có sự khác biệt lớn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất từ đầu năm nhằm sớm đạt được mục tiêu ổn định giá cả. Ngược lại, Bắc Kinh duy trì quan điểm thận trọng trước rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế do khủng hoảng thị trường bất động sản và dịch bệnh Covid-19.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đẩy mạnh một số giải pháp nhằm hỗ trợ đồng tiền nội địa nhưng không mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Cơ quan này ấn định giá đồng nhân dân tệ cao hơn so với dự báo của Bloomberg trong 25 phiên giao dịch liên tiếp. Đầu tuần trước, cơ quan này ấn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc phòng ngừa rủi ro đối với các ngân hàng ở ngưỡng 20%. Trước đó, PBoC giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc trong hệ thống ngân hàng.
Không chỉ Trung Quốc, một số quốc gia khác trong khu vực cũng đang tìm cách hạn chế tình trạng đồng tiền nội địa trượt giá so với đồng USD, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Một số ngân hàng trung ương có thể sớm kích hoạt “phòng tuyến số 2” ví dụ như các công cụ tài khoản vốn và chính sách an toàn kinh tế vĩ mô, theo Nomura Holdings.