Trong bài phát biểu hôm 25/5 tại Bắc Kinh, ông Guo Shuqing, người đứng đầu Ủy ban giám sát hệ thống ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc, cảnh báo các trader "bán khống nhân dân tệ sẽ không thể tránh khỏi thảm cảnh lỗ lớn". Được đăng trên trang nhất của nhiều tờ báo ở Trung Quốc, bài phát biểu của ông Guo cũng có đề cập đến chiến tranh thương mại, khiến ông trở thành quan chức cấp cao nhất bên phía Trung Quốc bình luận về vấn đề này kể từ khi căng thẳng giữa hai nước bị đẩy lên cao từ đầu tháng 5.
Chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại và những dấu hiệu của 1 nền kinh tế mất đà, nhân dân tệ đã giảm giá mạnh trong thời gian vừa qua. Tính từ đầu tháng, đồng nhân dân tệ ở hải ngoại (CNY) đã giảm khoảng 2,6% so với USD. Sáng nay CNY được giao dịch ở mức 6,9094 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Bắc Kinh đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với làn sóng đầu cơ chống lại nhân dân tệ. Tháng 1/2017, khi giới chức nước này ngày càng lo lắng về đà sụt giá của đồng nội tệ, họ đã can thiệp để giảm nguồn cung tiền mặt ở Hồng Kông và đẩy lãi suất tiền gửi nhân dân tệ lên mức cao kỷ lục. Các biện pháp này giúp CNY tăng giá trở lại.
Trong những tuần gần đây giới đầu tư ngày càng bi quan về nhân dân tệ. Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, chỉ số đảo ngược rủi ro của CNY – đo lường mức chênh lệch giá giữa quyền chọn mua và quyền chọn bán CNY – đã tăng gấp 5 lần kể từ đầu tháng đến nay.
Theo Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Natixis, Trung Quốc không muốn có quá nhiều nhà đầu tư đặt cược một chiều vào diễn biến của nhân dân tệ, bởi vì mục tiêu lớn nhất là tăng trưởng trong khi 1 đồng nội tệ ổn định có vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu đó.
NHTW Trung Quốc có thể sử dụng các công cụ từ yếu tố đảo ngược chu kỳ trong điều chỉnh tỷ giá tham chiếu cho đến tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bảo vệ tỷ giá, theo các chuyên gia kinh tế David Qu và Chang Shu của Bloomberg.
Trong bài phát biểu, ông Guo cũng cho rằng nhân dân tệ giảm giá một phần là do chiến tranh thương mại khiến Chính phủ Mỹ lo ngại về hiệu quả của các đợt tăng thuế. Cũng theo ông Guo, thật "nực cười" khi các quốc gia phát triển lâu nay vẫn yêu cầu Trung Quốc phải điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nhưng khi tỷ giá nhân dân tệ bị chi phối bởi thị trường nhiều hơn thì họ lại cảm thấy lo sợ.