Trong một video trả lời Kênh TV của Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây, Shark Phạm Thanh Hưng - Chủ tịch HĐQT CENGroup - chia sẻ nguyên nhân sâu xa dẫn tới hệ thống chuỗi gần 200 cửa hàng Món Huế, Phở Ông Hùng… đóng cửa là đến từ mối quan hệ giữa Founder - người vận hành thực tiếp với các nhà đầu tư tài chính đơn thuần.
"Các nhà đầu tư cứ tham lam, thích đầu tư chiếm tỷ lệ chi phối, thậm chí là chi phối tuyệt đối. Tôi nghe nói hiện các nhà đầu tư tài chính thuần túy đang chiếm tới 90% cổ phần của Món Huế. Chỉ còn giữ 10% thì động lực của người vận hành không còn nữa. "Các anh đầu tư tài chính đến mà quản lý, vận hành, chúng tôi chỉ làm được thế thôi"".
"Founder không còn quyền lợi gắn kết nữa. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân sâu xa nhất", ông Hưng bình luận.
Mặc dù vậy, trong Shark Tank Việt Nam tối 30/10, Shark Hưng đã đưa ra một offer mà nếu chấp nhận, Founder sẽ chỉ còn giữ 6% cổ phần khi startup mình sáng lập ra mới được chừng 6 tháng tuổi.
Nguyễn Tuấn Anh - CEO nền tảng thiết kế, in ấn trực tuyến Printgo đến với Shark Tank Việt Nam kêu gọi 4 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần.
Với 4 tỷ kêu gọi đầu tư, Printgo sẽ tập trung phát triển nhanh đội ngũ kỹ thuật, công nghệ và đẩy mạnh marketing. Hiện tại, công ty có 2 cổ đông gồm CEO Tuấn Anh và một nhà đầu tư thiên thần giữ 54% cổ phần công ty.
"Thiên thần mà giữ 54% luôn? Shark mà xuống 20% tức tổng lượng cổ phần nhà đầu tư nắm giữ là 74%. Tức là bạn còn một tí cổ phần, còn động lực gì nữa?", Shark Hưng chất vấn.
"Tôi nghĩ rằng việc giữ bao nhiêu % cổ phần không phải cái gì đấy quan trọng, quan trọng là mình được làm thứ gì đấy mà mình tin rằng sẽ thành công", Tuấn Anh trả lời.
Shark Hưng dành lời khen cho ý tưởng của Printgo và đưa ra lời đề nghị 4 tỷ cho 40% cổ phần; hoặc 2 tỷ cho 20% cổ phần + 2 tỷ còn lại hoặc là chứng quyền, hoặc là convertible loan (khoản vay chuyển đổi).
Offer này của Shark Hưng có 2 vấn đề:
Một là, để lại cho Founder một lượng cổ phần quá ít. Mặc dù Founder có trả lời câu chuyện cổ phần sở hữu không quá quan trọng, nhưng với offer của Shark Hưng, nếu Founder nhận lấy 4 tỷ đổi lấy 40% cổ phần, thì số cổ phần sở hữu của người Founder chỉ còn lại 6%. Trong khi đó, Printgo nếu tính cả thời gian chạy thử nghiệm thì mới được 6 tháng tuổi.
Câu chuyện cổ phần sở hữu và động lực làm việc của nhà sáng lập cũng được Shark Dzung đề cập ngay sau đó.
"Nếu lấy cổ phần nhiều nữa sẽ dẫn đến việc Founder sẽ mất đi tỷ lệ đủ để các bạn có động lực phát triển, để khi thành công các bạn có một phần thưởng xứng đáng", Shark Dzung phân tích khi đưa ra offer 1 tỷ đồng đổi lấy 10% (kèm theo khoản vay chuyển đổi 3 tỷ đồng).
Vấn đề thứ 2 trong offer của Shark Hưng là sự chênh lệch về định giá. 4 tỷ đồng đổi lấy 40% cổ phần và 2 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần thoạt nghe thì tương đương, nhưng khác biệt hoàn toàn về định giá pre-money (định giá công ty trước khi gọi vốn).
Với offer 4 tỷ đồng đổi lấy 40% cổ phần, định giá post-money (định giá công ty sau khi gọi vốn) là 10 tỷ đồng => Pre-money valuation của công ty = 10 tỷ đồng - 4 tỷ đồng = 6 tỷ đồng.
Với offer 2 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần, định giá post-money của công ty vẫn là 10 tỷ đồng, nhưng định giá pre-money sẽ bằng = 10 tỷ đồng - 2 tỷ đồng = 8 tỷ đồng.
Hình như Shark Hưng không nhận ra sự chênh lệch số liệu pre-money trong 2 offer của ông. Khi Shark Dzung offer 1 tỷ đồng đổi lấy 10% kèm nhận định "với offer này thì pre-money đã hơn Shark Hưng", vị cá mập bất động sản liền quay sang nói: "4 tỷ với 40% là giống nhau đấy".
Pre-money của Printgo trong offer của Shark Dzung = 10 tỷ đồng - 1 tỷ đồng = 9 tỷ đồng.
Printgo đã có giai đoạn chạy thử nghiệm từ tháng 4/2019 đến tháng 7/2019, phục vụ được 500 khách hàng và có hơn 20% khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ. Hiện tại, trung bình mỗi đơn hàng khoảng 1,5 triệu đồng.
Cuối cùng, startup này đã lựa chọn về với đội Shark Liên và Shark Bình để được tỏa sáng và bùng nổ, với offer của Shark Liên là 4 tỷ đồng đổi lấy 20% + 5% tặng thêm nếu Shark đem lại các giá trị như cam kết, và offer của Shark Bình là 1 tỷ đồng đổi lấy 5%.