Tiền dịch chuyển sang midcap và penny
(Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)
Thị trường được dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển của dòng tiền sang nhóm midcap và penny có thể sẽ mạnh lên trong các phiên sắp tới.
Chưa đồng thuận xu hướng
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội - SHS)
Thị trường hồi phục trở lại sau phiên giảm điểm trước đó, đã sáu phiên liên tiếp diễn biến giằng co tăng giảm đan xen trong vùng tích lũy 1.100-1.130 điểm. Thị trường đã có gần hai tuần tích lũy trong vùng giá này mà vẫn chưa đạt đủ sự đồng thuận cho một xu hướng ngắn hạn mới. Nước ngoài quay trở lại bán ròng sau hai phiên liên tiếp mua ròng. Phiên tăng 8/3 vẫn theo kịch bản cũ với mức thanh khoản thấp hơn các phiên giảm trước đó.
Trên góc nhìn kỹ thuật, tín hiệu ngắn hạn của VN-Index vẫn là tích cực; trong khi đó, tín hiệu ngắn hạn của HNX-Index là trung tính. Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể sẽ vẫn giằng co và tích lũy trong biên độ 1.100-1.130 điểm, cần sự bứt phá ra khỏi vùng này để xác nhận xu hướng ngắn hạn tiếp theo. Nhà đầu tư ngắn hạn duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng và quan sát thị trường để có quyết định hợp lý. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh để tích lũy thêm các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.
Thiếu thông tin hỗ trợ
(Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV - BSC)
Thị trường tiếp tục giằng co từ đầu phiên với giao dịch không sôi động. Sắc xanh lan rộng hơn vào đầu giờ chiều khi nhóm cổ phiếu ngân hàng và vốn hóa lớn đồng loạt bứt phá, trở thành động lực tăng điểm chính cho chỉ số. Thông tin kí kết CPTPP ngày 8/3 cũng tác động nhẹ lên nhóm cổ phiếu được hưởng lợi trực tiếp như FMC, TCM, TNG. Thanh khoản giảm đang kể so với các phiên trước cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với các nhịp rung lắc của thị trường.
BSC nhận định, thời điểm hiện tại thị trường vẫn đang thiếu thông tin hỗ trợ để có thể xác lập lại xu hướng rõ ràng.
Rủi ro nếu đẩy mạnh giao dịch
(Công ty chứng khoán FPT - FPTS)
Mặc dù rủi ro tạm thời được đẩy lùi nhưng tín hiệu cũng chưa thể xác nhận đối với chiều hướng bứt phá ra khỏi khung giao dịch hẹp theo tuần. Do đó, sẽ khá rủi ro nếu đẩy mạnh giao dịch vào thời điểm này. Chiến lược giữ nguyên danh mục và đeo bám chỉ số tiếp tục được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Nhóm nhà đầu tư ưa mạo hiểm cũng được khuyến nghị chỉ nên tham gia ở mức thấp và ưu tiên các cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục.
Cần thời gian để bứt phá
(Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBS)
Thị trường phiên 8/3 có thể nói là tạm thời lấy lại được cân bằng ngắn hạn sau dư chấn từ giao dịch bất ngờ của quỹ VFM. Tâm lý nhà đầu tư đã phần nào thoát khỏi sức ì khi chấp nhận mua cao hơn ở mặt bằng cổ phiếu và các hợp đồng phái sinh chỉ số. Mặt bằng cổ phiếu đã phân hóa điều chỉnh tương đối nhiều và nhiều nhóm cổ phiếu cân bằng khi hình thành các nền giá khá tốt. Điều này sẽ đóng vai trò hỗ trợ tốt cho thị trường tránh được các đợt giảm sâu và tạo thêm dư địa cho đà tăng chung của thị trường. Dấu hỏi lớn nhất lúc này có lẽ là nhóm cổ phiếu dẫn dắt vẫn tiếp tục nhịp điều chỉnh và thanh khoản ở mức thấp cho thấy các dòng tiền lớn vẫn chưa thực sự giải ngân mạnh vào thị trường từ trước kỳ nghỉ tết.
VBPS cho rằng khả năng thị trường sẽ sớm bứt phá trong thời gian ngắn tới, nhất là khi có sự trở lại của nhóm ngân hàng.
Cần thời gian tích lũy
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
VN-Index đã có một ngày giao dịch thành không khi tăng gần 12 điểm. KLGD trên HSX tương đối ổn định trong những phiên gần đây sau khi sụt giảm trong tháng hai.
Thị trường phiên 8/3 có vẻ được hỗ trợ từ thông tin ký kết hiệp định CPTPP. VDSC cho rằng hiệp định này sẽ có tác động tích cực lên một số nhóm ngành xuất khẩu nhiều như dệt may, thủy sản. Ngành bất động sản khu công nghiệp có thể hưởng lợi gián tiếp khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng tỷ trọng đóng góp vào VN-Index của các nhóm này không đáng kể.
Hiện tại thì VN-Index vẫn đang dao động đi ngang kể từ ngày 26/2. CPTPP có thể chỉ có ít tác động ngắn hạn lên thị trường. Thanh khoản ổn định trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn thay phiên giữ nhịp thị trường. VDSC cho rằng cần thêm thời gian tích lũy và có thêm nhiều thông tin tích cực hơn để chỉ số có thể “break-out”.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.