Ngày 1/9/2016, ông Trần Bắc Hà, người đã có hơn 30 năm gắn bó với BIDV, về nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội. Sau khi ông Hà về hưu, ông Trần Anh Tuấn là thành viên Hội đồng quản trị được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV.
Tưởng rằng vị trí chủ tịch mới sẽ được bổ sung sớm, chậm nhất là tại đại hội cổ đông của ngân hàng vào tháng 4/2017 với nhiều ứng cử viên sáng giá được gọi tên. Tuy nhiên mọi dự đoán của thị trường đều sai hướng và không rõ vì sao chiếc ghế nóng ấy vẫn bỏ trống. Ngân hàng tiếp tục cử ông Trần Anh Tuấn phụ trách điều hành Hội đồng quản trị suốt từ đó tới nay – tổng cộng đã 15 tháng có lẻ.
Chiếc ghế nóng ở BIDV vẫn là vấn đề được dư luận quan tâm và cũng là dấu hỏi lớn với các cổ đông. Hơn nữa, kể từ khi ông Bắc Hà nghỉ thì người đại diện vốn cho 40% phần vốn còn lại Nhà nước tại BIDV cũng bỏ khuyết, hiện mới chỉ có 2 người là ông Phan Đức Tú (Tổng giám đốc) và ông Bùi Quang Tiên mỗi người đại diện 30% vốn.
Sự chậm trễ này ắt hẳn là có nguyên do chính đáng, tất nhiên cụ thể thế nào thì chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nhưng gần đây một số thông tin bên lề cho rằng, không lâu nữa, ngân hàng lớn nhất Việt Nam với hơn 61 năm tuổi này sẽ chính thức có chủ tịch Hội đồng quản trị mới.
Dù vẫn chưa có chủ nhân cho chiếc ghế nóng nhất, song nói về nhân sự cấp cao trong hệ thống ngân hàng nói chung thời gian qua thì ở BIDV lại tương đối ổn định. Trong 15 tháng kể từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu chỉ có 3 sự ra đi và cả 3 đều là “bất khả kháng” đó là ông Đặng Xuân Sinh và ông Nguyễn Huy Tựa về nghỉ hưu theo chế độ, cùng với việc thôi nhiệm của ông Tô Ngọc Hưng do ông này không còn đủ điều kiện để tiếp tục làm thành viên HĐQT độc lập của ngân hàng theo Luật Tổ chức tín dụng.
Có 2 sự bù đắp cho 3 vị trí thiếu vắng kia đã an bài, đó là ông Bùi Quang Tiên về thay cho ông Đặng Xuân Sinh sau khi ông Sinh nghỉ hưu, cùng với ông Lê Việt Cường được bầu thay cho ông Tô Ngọc Hưng tại đại hội cổ đông thường niên.
Còn một vị trí nữa thay thế cho ông Nguyễn Huy Tựa về hưu từ đầu tháng 11 năm nay vẫn chưa có người thay thế.
Trong một diễn biến khác liên quan đến nhân sự cấp cao của BIDV, ngày 4/12 Chính phủ vừa quyết định điều chuyển ông Phạm Quang Tùng – là chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) về công tác tại BIDV. Vị trí ở BIDV như thế nào chưa rõ, nhưng trước khi sang VDB hồi tháng 6/2016 ông Phạm Quang Tùng (sinh năm 1971) từng là phó Tổng giám đốc của BIDV trong 4 năm, và cũng có tổng cộng 20 năm công tác ở ngân hàng này.
Là ngân hàng thương mại lâu đời nhất ở Việt Nam, những đóng góp của BIDV với nền kinh tế suốt 61 năm qua, qua các thời kỳ kinh tế, không ai có thể phủ nhận được. Gần đây, ngân hàng này cũng vươn mình mạnh mẽ khi đang đứng đầu hệ thống về quy mô tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ cho vay, với cả 3 chỉ số đều vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Xét về khả năng sinh lời, ngân hàng này cũng nằm trong top các ngân hàng lãi tốt nhất với hơn 7.700 tỷ đồng dự kiến trong năm nay, sau khi đạt trên 7.500 tỷ trong năm 2016.
Trên thị trường chứng khoán, BIDV đang có vốn hóa hơn 87 nghìn tỷ đồng sau khi cổ phiếu đã tăng giá gần 70% kể từ đầu năm tới nay, hiện ở mức hơn 25.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là ngân hàng duy nhất trong nhóm 3 ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm quyền chi phối còn nguyên room dành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.