Theo thường lệ, mùa tuyển dụng của ngành ngân hàng đợt 1 (tháng 4 đến tháng 7) lại bắt đầu sôi động. VietinBank mới đây đăng tin tuyển dụng 900 chỉ tiêu cho toàn hệ thống. Các ngân hàng khác như Vietcombank, VPBank, BIDV, Sacombank, HDBank, Nam A Bank... cũng tuyển người với số lượng từ vài chục cho đến hàng trăm nhân sự.
Ngoài đợt 1 thì các ngân hàng còn có đợt tuyển dụng cũng khá lớn trong đợt 2 là từ tháng 10 đến tháng 11 khi thị trường lao động đón nhận một lượng lớn sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên vài năm gần đây, mùa tuyển dụng cũng "ẩm ương" hơn, không quy củ theo đợt như trước mà nhiều ngân hàng chiêu mộ nhân sự liên tục, tháng nào cũng tuyển. Nguyên nhân một phần do hoạt động kinh doanh không ngừng mở rộng và một phần phần do lượng lao động vào rồi lại nghỉ việc quá nhiều khiến các nhà băng khó chủ động trong việc bổ sung người mới.
Tuyển hàng nghìn chỉ tiêu, nghỉ việc cũng không kém
Năm 2017, đa số các ngân hàng đều đẩy mạnh tuyển dụng và tăng thêm nhân sự, tuy nhiên một vài ngân hàng như BIDV, NCB và SHB vẫn có sự sụt giảm, trong đó ở BIDV giảm mạnh nhất khi nhân sự đến cuối năm 2017 chỉ còn 22.968 nhân viên, giảm 636 so với đầu năm. Mặc dù ngân hàng này vẫn đều đặn tuyển dụng với 2 đợt tuyển dụng tập trung lớn, mỗi đợt chỉ tiêu tuyển thêm 500 - 700 người.
Các ngân hàng khác như Techcombank năm 2017 tuyển mới gần 2.000 cán bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh của ngân hàng song đến cuối năm lượng nhân viên của ngân hàng là 8.249 người, chỉ tăng hơn 900 người so với hồi đầu năm, tính ra trong năm cũng có đến hơn 1.000 nhân viên thôi việc.
Còn VIB trong báo cáo thường niên cho biết năm 2017 đã tuyển dụng tổng cộng hơn 2.000 nhân sự mới để thay thế và bổ sung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh liên tục mở rộng. Thế nhưng đến cuối năm, số lượng nhân viên tăng thêm so với đầu năm cũng chỉ có khoảng 800 người, tức là cũng đã có khoảng 1.200 người nghỉ việc.
Số liệu: Báo cáo tài chính ngân hàng mẹ 2017
Thu nhập cao nhưng áp lực và rủi ro lớn
Một vài ví dụ trên cho thấy biến động nhân sự trong ngành ngân hàng thực sự rất lớn và dường như các nhà băng vẫn còn gặp nhiều khó khăn để tuyển người, giữ người.
Báo cáo của Navigos Search cho biết, có đến 89% ngân hàng được hỏi có mức thu nhập trung bình của nhân viên từ 10-30 triệu đồng/tháng nhưng vẫn khó tuyển và giữ người mặc dù đây là mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều ngành dịch vụ hiện nay tại Việt Nam. Nguyên nhân, theo Navigos chủ yếu là vì nhiều người e ngại làm việc tại ngân hàng bên cạnh khối lượng công việc nhiều, áp lực chỉ tiêu cao thì còn độ rủi ro lớn về pháp lý.
Nhu cầu tuyển dụng của ngành ngân hàng được dự đoán sẽ còn tăng do mảng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng đang ngày càng được chú trọng, xem là mảng kinh doanh chiến lược. Nhiều ngân hàng bên cạnh tuyển nhân sự chính thức còn tuyển thêm lượng lớn cộng tác viên để nhanh chóng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần,...Song phần lớn những vị trí được tuyển là cho bộ phận bán hàng, bán lẻ, có đặc điểm đòi hỏi nhiều kỹ năng giao tiếp, khả năng chịu áp lực cao nên tỷ lệ nhân viên trụ lại được sau thời gian thử việc là rất thấp.
Bên cạnh việc tuyển dụng từ phía nhà băng thì ở góc độ người lao động, nhiều người cho biết lương thưởng của nhân viên bán hàng thường phụ thuộc vào doanh số, hợp đồng thì ngắn hạn, các cộng tác viên có thể không có bảo hiểm và các chế độ khác....Chính vì thế nên nghỉ việc cũng trở nên dễ dàng vì không gặp nhiều ràng buộc.
Chưa kể, bên cạnh những áp lực về doanh số, nhân viên luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro luôn thường trực trong các nghiệp vụ hàng ngày, thậm chí nhiều người rơi vào vòng lao lý do vi phạm quy định, mà điển hình nhất là vụ các nhân viên ở Eximbank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh gần đây.