Không ai hiểu rõ về Black Friday hơn các nhân viên làm việc tại cửa hàng của Mỹ trong ngày này. Trang Business Insider đã trò chuyện với một vài người trong số họ để nghe chia sẻ về những điều khách hàng có thể không biết.
Trung tâm mua sắm không mở cho đến khi các cửa hàng "đinh" mở cửa
Những hãng bán lẻ lớn như Macy's, Target có toàn quyền quyết định! Trung tâm mua sắm mở cửa đúng lúc nhóm này mở cửa. Vì vậy, những cửa hàng khác tất nhiên không thể mở sớm hơn còn nếu mở muộn hơn sẽ bị phạt theo giờ. Tuy nhiên, một số "ông lớn" như Apple vẫn vui vẻ chịu phạt chứ không muốn bị phụ thuộc.
Những món đồ giảm giá thường là các món cũ hơn và tương tự như năm ngoái
Hầu hết những khoản giảm giá hấp dẫn nhất đến từ sản phẩm ít nhất một năm tuổi và các hãng phải dọn sạch hàng tồn trong kho. Tất nhiên khách hàng vẫn có thể may mắn săn được loại tablet (máy tính bảng) hay điện thoại mới nhất nhưng những món này sẽ rất ít hoặc giảm không đáng kể.
Ngoài ra, 93% số cửa hàng đưa ra ít nhất một sản phẩm Black Friday năm 2014 với cùng giá như năm 2013 (theo một nghiên cứu của NerdWallet).
Những sản phẩm này đằng nào cũng sẽ giảm giá
Các dòng sản phẩm mới sẽ ra mắt trong vài tuần sau Black Friday. Vì vậy, những sản phẩm cũ được bán vào Black Friday đằng nào cũng sẽ giảm giá để dọn đường cho hàng mới.
Khách hàng không nhất thiết phải có mặt ngay khi cửa hàng mở
Hầu hết các chương trình giảm giá sẽ kéo dài cả ngày. Bạn không cần phải chờ từ đêm hôm trước trừ khi đặc biệt quan tâm tới những món "door buster" (tạm dịch là xông vào khi cửa mở), dành riêng cho những ai nhanh chân.
Nhiều hãng bắt đầu giảm giá trước
Một số cửa hàng bắt đầu chương trình giảm giá sớm trước cả tuần. Hãy thường xuyên kiểm tra cửa hàng yêu thích và có thể bạn sẽ mua được những món hời mà không cần đợi đến Black Friday.
Cửa hàng sẽ sử dụng mọi thủ thuật để khách chi thêm tiền
Tại các cửa hàng cao cấp như Chanel hay Gucci, nhân viên sẽ mời khách hàng uống rượu vang. Đây có thể coi là đặc quyền cho khách nhưng thực ra hãng chỉ muốn giữ bạn ở đó lâu hơn.
Ở một số cửa hàng thời trang, nhân viên thậm chí còn được yêu cầu giữ khách trong phòng thử và liên tục mang đồ đến cho khách thử, không chỉ quần áo mà còn phụ kiện và kể cả rượu! "Tinh thần là khách càng thử nhiều, bạn càng khen nhiều và khách sẽ chi nhiều hơn", một nhân viên tiết lộ.
Các hãng còn tăng giá của một mặt hàng trước đó để mức giảm có vẻ nhiều hơn
Đây là phát hiện của The Wall Street Journal. Theo đó, 1/5 số mặt hàng giảm giá mà tờ báo này theo dõi sẽ tăng giá 8% trước Black Friday. Thậm chí, đồ chơi và dụng cụ sẽ "đội giá" lên 23%.
Một số mặt hàng được làm đặc biệt cho Black Friday và có chất lượng thấp hơn
CNN và Forbes báo cáo rằng các hãng bán lẻ lớn thường bán hàng điện tử "đặc biệt" được sản xuất bởi thương hiệu lớn chỉ dành cho Black Friday. Không may, những món đồ này có chất lượng thấp hơn bình thường.
Nếu bạn không lịch sự, bạn sẽ phải trả giá
Những người mua sắm vào Black Friday hay đập cửa vì nghĩ sẽ gây sự chú ý và được phép vào sớm hơn. Tuy nhiên, "đập cửa sẽ chỉ làm tất cả chúng tôi ghét bạn", một nhân viên chia sẻ. Các nhân viên sẽ cố tình gây khó dễ cho những khách hàng không lịch sự, bằng những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như thanh toán chậm hay "ôi, chúng tôi hết giấy gói quà rồi".
Khi nhân viên nói hết hàng nghĩa là hết hàng
Khách hàng có vẻ không tin khi được thông báo món đồ đã hết hàng (cỡ, màu...) và thường yêu cầu "kiểm tra lại". Điều này sẽ khiến nhân viên vô cùng khó chịu.