Làm việc hơn 100 giờ/tuần, kiệt quệ cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần là những gì các nhân viên mới miêu tả về công việc của họ tại ngân hàng Goldman Sachs. Và điều đó dẫn tới việc không ít người phải xin nghỉ chỉ sau một thời gian ngắn.
Bloomberg cho biết một cuộc khảo sát nội bộ vào tháng trước với 13 chuyên viên phân tích đầu tư của Goldman đã tiết lộ "góc tối" về môi trường làm việc tại ngân hàng này. Những người được khảo sát than thở về việc thiếu ngủ trầm trọng, kiệt quệ sức lực và sa sút tinh thần.
Những "ma mới" với kinh nghiệm dưới 1 năm tại Goldman cho biết họ đang làm việc trung bình hơn 95 giờ/tuần, ngủ rất ít mỗi ngày và thậm chí phải chịu đựng sự lạm dụng tại nơi làm việc. Đa số đều nói rằng sức khỏe thể chất và tinh thần của họ đã xấu đi đáng kể từ khi bắt đầu làm việc tại Goldman.
Một người chia sẻ: "Từng có thời điểm tôi không ăn, không tắm hay làm bất cứ việc gì khác ngoài làm việc từ sáng cho tới sau nửa đêm. Cơ thể tôi đau mỏi mọi lúc và tinh thần tôi như đang ở một nơi thực sự tối tăm.
Một người khác bày tỏ sự bức xúc: "Không thể chấp nhận được chuyện làm việc 110-120 giờ/tuần. Điều này vượt quá mức chăm chỉ thông thường. Tôi chỉ có 4 tiếng mỗi ngày để ăn, ngủ, tắm và làm những việc khác. Đây chẳng khác gì lạm dụng sức lao động một cách vô nhân đạo".
Một văn phòng của Goldman Sachs.
100% người được hỏi cho biết thời gian làm việc "căng như dây đàn" đã làm tổn hại đến mối quan hệ của họ với bạn bè và gia đình. 3/4 trong số đó cho biết họ đã tìm kiếm hoặc cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp về các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Những nhân viên được khảo sát đã đề xuất một giải pháp đơn giản là đặt 80 giờ/tuần là mức tối đa đồng thời tránh thay đổi vào phút chót đối với bài thuyết trình phục vụ cho các cuộc họp với khách hàng. Vốn dĩ đây là điều thường xuyên xảy ra ở Phố Wall, khiến nhiều nhân viên phải làm thêm giờ để chỉnh sửa tài liệu theo yêu cầu của cấp trên.
Một đề nghị khác của họ là "nhân viên mới làm việc nên được nghỉ ngơi sau 9 giờ tối thứ 6 và cả hai ngày cuối tuần mà không cần phải được cho phép từ trước bởi đó là thời gian cá nhân duy nhất mà chúng tôi có được. Để làm tốt nhất công việc của mình, chúng tôi cần được nghỉ ngơi hợp lý và không bị làm phiền bởi công việc phát sinh sau giờ làm việc".
Theo một giám đốc cấp cao, tình trạng kiệt quệ thể chất và tinh thần của nhân viên nghiêm trọng đến mức Goldman phải thực hiện biện pháp mới, bao gồm từ bỏ một số công việc kinh doanh để giúp quản lý khối lượng công việc dễ dàng hơn.
Nicole Sharp, phát ngôn viên của Goldman Sachs cho biết: "Chúng tôi nhận ra rằng nhân viên của chúng tôi rất bận rộn vì hoạt động kinh doanh đang phát triển mạnh mẽ và khối lượng giao dịch ở mức lịch sử. Hơn 1 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, mọi người đều khá căng thẳng và đó là lý do chúng tôi lắng nghe vấn đề của họ cũng như tìm cách giải quyết".
Trong những năm gần đây, các ngân hàng Phố Wall đã nới lỏng quy tắc ăn mặc lịch sự là comple – thắt cà vạt cũng như mở rộng chính sách nghỉ sinh con để tạo môi trường làm việc thân thiện hơn. Về phần mình, Goldman đã đưa ra biện pháp bảo toàn ngày cuối tuần cho các nhân viên cấp thấp bằng "quy tắc thứ 7", yêu cầu họ không có mặt ở văn phòng từ 9 giờ tối thứ 6 đến 9 giờ sáng Chủ nhật, trừ một số trường hợp hiếm hoi. Tuy nhiên, theo những người tham gia khảo sát trên, quy tắc đó không phải lúc nào cũng được tuân theo.
Mặc dù các ngân hàng ở Phố Wall, đặc biệt là Goldman, được biết đến với mức lương thưởng cao ngất trời nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng với những nhân viên phân tích năm đầu tiên. Một báo cáo năm ngoái của Business Insider ước tính họ có thể nhận mức lương cơ bản khoảng 91.000 USD/năm trong khi những vị trí cao hơn có mức lương lên tới hàng triệu USD.
Nguồn: CNN