Đúng 11h10 theo giờ địa phương, nhân viên Google ở 20 văn phòng trên khắp thế giới hưởng ứng lời kêu gọi sẽ đứng dậy, bước khỏi văn phòng để phản đối những gì mà những người tổ chức gọi là "văn hóa làm việc không hiệu quả với mọi người".
Cuộc "nổi loạn" xuất hiện sau khi tờ New York Times dẫn báo cáo cho biết Google bao che cho các lãnh đạo cấp cao bị cáo buộc có những hành vi tình dục sai trái bằng việc tiếp tục để họ làm việc hoặc cho phép họ rời đi nhưng lại trả cho một khoản tiền bồi thường lớn.
Một ví dụ được nêu ra là Google đã trả cho Andy Rubin, người phụ trách mảng Android, số tiền 90 triệu USD đổi lấy việc ông này rời đi mặc dù có những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy Rubin có những hành vi tình dục sai trái. Thông qua người phát ngôn, Rubin bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào mình và gọi đó là sự cường điệu hóa.
Các nhà tổ chức yêu cầu Google phải công khai cách xử lý các lãnh đạo cấp cao bị cáo buộc quấy rối tình dục cũng như bồi thường xứng đáng cho các nhân viên là nạn nhân. Họ cũng yêu cầu gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm phải trao cho nhân viên nhiều quyền hơn. Tuyên bố này được gửi tới tất cả nhân viên Google trên khắp thế giới cũng như ban giám đốc của công ty.
Tuần trước, CEO Google Sundar Pichai đã gửi thư tới các nhân viên, thông báo rằng công ty đang ngày càng nghiêm khắc hơn với những hành vi không phù hợp trong công việc. Bức thư của vị CEO cũng nhấn mạnh Google đã sa thải 48 người, trong đó có 13 quản lý cấp cao vì lý do này trong 2 năm qua.
Hôm 30/10, Pichai tiếp tục gửi thư tới nhân viên, nhắc lại lời xin lỗi của ông "vì những hành động trong quá khứ cũng như những nỗi đau mà những người bị sa thải đã gây ra cho các nhân viên". Vị CEO cũng khẳng định nhân viên sẽ có những sợ hỗ trợ cần thiết cho việc phản đối những hành động sai trái.
Một trong những nhân sự cấp cao bị buộc từ chức vì hành vi không phù hợp là Richard DeVaul, người phụ trách phòng thí nghiệm của Alphabet. Nhân vật này đã nộp đơn xin từ chức hôm 30/10.
Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng đó chỉ là những trường hợp điển hình bị phanh phui. "Còn hàng nghìn kẻ, ở mọi cấp độ khác nhau" cũng có những hành vi sai trái nhưng chưa bị xử lý.
Bên cạnh đó, sự thiếu đa dạng về giới là vấn đề nghiêm trọng trong ngành công nghệ cao nhưng Google trở thành trung tâm của sự chú ý kể từ tháng 8 năm ngoái sau khi một kỹ sư, có tên James Damore, công bố báo cáo gây chấn động về bất bình đẳng giới. Damore sau đó bị sa thải nhưng sự việc dẫn đến tình trạng rối loạn nội bộ của Google cũng như sự thất vọng của nhân viên đối với cách xử lý vấn đề và tuyển dụng của công ty cũng như những vấn đề liên quan tới quấy rối tình dục.
Nhìn chung, 70% nhân viên Google là nam giới và 53% là người da trắng. Trong vai trò lãnh đạo công ty, con số bất cân bằng này còn lớn hơn khi 75% lãnh đạo là nam giới và 67% là người da trắng.
Những người phản đối muốn việc này thay đổi nhưng có lẽ nó chưa thể xảy đến ngay lập tức.